Những chiến binh mạng tinh nhuệ của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quân nhân thuộc một đơn vị pháo binh tầm xa của nước này nhìn vào màn hình máy tính. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quân nhân thuộc một đơn vị pháo binh tầm xa của nước này nhìn vào màn hình máy tính. Ảnh: KCNA
TP - Những người Triều Tiên vượt biên nói rằng, Cục 121 - Tổng cục Trinh sát Triều Tiên quy tụ những chuyên gia máy tính giỏi nhất của cả nước và là cơ quan tình báo ưu tú thuộc quân đội Triều Tiên. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia an ninh cho rằng, hacker Triều Tiên vừa tấn công mạng của Sony Picture vì một bộ phim liên quan nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhiều chuyên gia an ninh nói rằng, Bình Nhưỡng thường xuyên thực hiện các vụ tấn công mạng, chủ yếu nhằm vào Hàn Quốc, khi hai nước về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc chiến tranh. Bình Nhưỡng cũng không giấu giếm sự thù ghét đối với Mỹ - nước đã hỗ trợ Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Chuyên gia máy tính trong quân đội Triều Tiên được tuyển chọn, đào tạo khi mới 17 tuổi, Reuters hôm qua dẫn lời anh Jang Se-yul, người từng được đào tạo ngành khoa học máy tính tại Đại học Tự động hóa thuộc quân đội Triều Tiên, trước khi trốn sang Hàn Quốc cách đây 6 năm. Trả lời phỏng vấn tại Seoul, anh Jang nói rằng, Cục 121 gồm khoảng 1.800 chiến binh mạng, và được coi là lực lượng tinh nhuệ của quân đội. “Đối với họ, vũ khí mạnh nhất là mạng. Tại Triều Tiên, nó được gọi là Chiến tranh Bí mật”, anh Jang nói. 


Một người bạn của anh Jang làm trong đơn vị chuyên thực hiện các hoạt động ở nước ngoài, và thường nói dối là nhân viên của một công ty thương mại Triều Tiên. Anh ta và gia đình được phân một căn hộ rất rộng ở khu trung tâm Bình Nhưỡng. “Bạn tôi vốn ở nông thôn, nhưng sau đó đưa cả gia đình đến Bình Nhưỡng. Động lực đối với các chuyên gia an ninh mạng ở Triều Tiên rất mạnh… Họ là những người giàu ở thủ đô”, Jang nói. Anh này cũng cho biết các thành viên Cục 121 nằm trong số 100 sinh viên tốt nghiệp Đại học Tự động hóa mỗi năm. Hơn 2.500 sinh viên được tuyển vào ngôi trường có dây thép gai vây kín ở Bình Nhưỡng. 

“Họ được tuyển chọn. Đó là vinh dự rất lớn với họ”, Reuters dẫn lời một người Triều Tiên đào tẩu khác tên là Kim Heung-kwang, cựu giáo sư khoa học máy tính, trốn sang Hàn Quốc năm 2004.

Công cụ tương tự

Trang tin công nghệ Re/code hôm thứ Tư nói rằng, Sony có ý định nêu tên Triều Tiên là nguồn gốc của vụ tấn công gần đây nhằm vào mạng máy tính của hãng này. Sony Pictures (trụ sở ở Mỹ) là công ty phát hành bộ phim hài “The Interview” nói về âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Triều Tiên trước đó gọi bộ phim này là “hành động chiến tranh”. Khi được hỏi về vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures, người phát ngôn phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc nói: “Tôi khuyên bạn hãy chờ xem”.

Năm ngoái, hơn 30.000 máy tính cá nhân của các ngân hàng và công ty truyền thông Hàn Quốc hứng chịu một cuộc tấn công tương tự mà các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, thủ phạm đến từ Triều Tiên. Vài tháng sau đó, trang web của chính phủ Hàn Quốc bị tấn công, giao diện bị che bằng khẩu hiệu ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên. Giới chức Hàn Quốc cáo buộc phía Triều Tiên là thủ phạm. Những vụ tấn công này đều sử dụng phần mềm gián điệp thô sơ nhưng hiệu quả mà các chuyên gia gọi là DarkSeoul. 

Theo báo cáo của hãng an ninh mạng Symantec, nhóm tin tặc DarkSeoul dính dáng đợt tấn công suốt 5 năm nhằm vào Hàn Quốc. Symantec ước tính, nhóm này gồm khoảng 10-15 hacker và có khả năng thực hiện các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào những mục tiêu khó trong nhiều năm qua. Các chuyên gia an ninh nghi ngờ Triều Tiên dính dáng vụ tấn công mạng máy tính Sony. Việc nhóm tin tặc sử dụng cái tên “Những người bảo vệ hòa bình” chưa từng biết đến trước đây cũng tương tự những vụ tấn công trước đó của nhóm DarkSeoul. Vẫn chưa rõ nhóm DarkSeoul là người ngoài hay thuộc đội quân tinh nhuệ của Bình Nhưỡng.

Nhóm hacker “Những người bảo vệ hòa bình” tấn công hệ thống máy tính của Sony Pictures hôm 24/11, đe dọa công bố những bí mật của hãng này. Ít nhất 4 bộ phim mới chưa được công chiếu của Sony Pictures đã bị rò rỉ trên mạng, gồm “Annie”, “Mr. Turner”, “Still Alice” và “To Write Love on Her Arms”.

Theo BBC, Yonhap, Washington Post
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.