Những cặp đôi trẻ 'tâm đầu ý hợp' làm giàu trên quê hương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong danh sách những Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu, có các cặp vợ chồng trẻ vừa làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, vừa trở thành gia đình hạnh phúc, truyền cảm hứng tới nhiều người. 

Cặp đôi cán bộ Đoàn với mô hình liên kết sản xuất từ cây xạ đen

Mô hình liên kết sản xuất “Trà xạ đen Diệp Nhật” cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm là kết quả từ sự nỗ lực, vượt khó của cặp đôi cán bộ Đoàn Nông Thị Huệ (SN 1992, cô gái dân tộc Nùng, hiện là Phó Bí thư đoàn xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) và anh Nguyễn Mạnh Ninh (SN 1990, Phó Bí thư chi đoàn TDP Hồi, thị trấn Phồn Xương).

Sau 5 năm bắt tay vào khởi nghiệp, đến nay, vợ chồng chị là tấm gương tiêu biểu truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp tới thanh niên, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ vùng núi trong phát triển kinh tế, xã hội.

Vợ chồng Huệ có lợi thế hơn nhiều người khi bắt đầu khởi nghiệp bằng cây xạ đen bởi chị có kiến thức chuyên môn vững vàng về y dược sau quá trình học tại trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Cùng với sự hỗ trợ của chồng trong quá trình quản lý sản xuất kinh doanh, tập tành khởi nghiệp từ quy mô nhỏ, Huệ nhanh chóng thành lập hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp gồm 7 thành viên (năm 2019).

Để có thêm hành trang vững vàng phát triển dự án khởi nghiệp, cô gái người Nùng tích cực tham gia tập huấn do Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn tổ chức về mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Không lâu sau, vợ chồng trẻ đã nghiên cứu, phát triển thành công sản phẩm chính là trà xạ đen Diệp Nhật, được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận OCOP 3 sao và là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.

Tính đến nay, hợp tác xã do vợ chồng Huệ thành lập đã có 15 thành viên tham gia và liên kết mở rộng diện tích lên đến 15ha. Theo đó, mô hình liên kết sản xuất “Trà xạ đen Diệp Nhật” đã sản xuất và tiêu thụ 2 tấn xạ đen khô/năm (doanh thu 200 triệu đồng). Ngoài ra, vợ chồng chị Huệ cũng vận động được 15 thanh niên trong xã tham gia vào mô hình phát triển kinh tế theo hợp tác xã để tạo việc làm thường xuyên và nâng cao thu nhập.

Những cặp đôi trẻ 'tâm đầu ý hợp' làm giàu trên quê hương ảnh 1

Cặp đôi cán bộ Đoàn đến từ Bắc Giang vinh dự là một trong 21 gia đình được tuyên dương, nhận danh hiệu “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022.

Mặc dù anh Ninh và chị Huệ đều dành nhiều thời gian tham gia vào công tác Đoàn và tuyên truyền về tinh thần, dự án khởi nghiệp ở địa phương nhưng luôn có bí quyết giữ và duy trì ngọn lửa hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng trẻ cho rằng, mỗi người sẽ có một quan điểm, một khái niệm khác nhau về hạnh phúc gia đình. Có người quan niệm hạnh phúc gia đình chỉ đơn giản là yêu và được yêu, được nở nụ cười, được buồn, được vui, được sống đúng với cảm xúc của mình, được rơi nước mắt, được quan tâm và được ai đó quan tâm là đủ.

"Nhưng, hạnh phúc với gia đình tôi là khi vợ chồng yêu thương nhau, được thoải mái trò chuyện, tin tưởng lẫn nhau, đặt mình vào vị trí của người khác, có không gian độc lập", anh Ninh bày tỏ sau khi được tuyên dương "Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu".

Cùng nhau nuôi cá lồng trên hồ thủy điện

Vợ chồng anh Lang Văn Quý và chị Lô Thị Hảo quyết định bám trụ trên quê hương, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đồng lòng xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Tổ ấm của anh chị vừa được tuyên dương là "Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2022.

Anh Quý và chị Hảo đều là người dân tộc Thái, nên duyên vợ chồng năm 2012. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ càng thêm nhiều thách thức khi gia đình anh chị phải chuyển đến nơi ở mới - khu tái định cư công trình thủy điện Hủa Na.

Không ít lần trăn trở giữa việc "ở lại bám rừng hay tha phương cầu thực nơi đất khách", anh chị quyết định lập nghiệp trên quê hương với niềm tin quê nhà còn rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, mở rộng chăn nuôi.

Năm 2016, anh chị xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Từ 8 lồng cá ban đầu đến nay đã phát triển hơn 20 lồng cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời chăn nuôi trâu bò đã tạo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Quý cho biết, những ngày đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lồng mà không ít lần cá chết. Nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau, kiên trì làm tiếp; đồng thời học hỏi kiến thức chăn nuôi.

Theo anh Quý, một trong những điều góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no là vợ chồng luôn có sự sẻ chia, trao đổi thống nhất và động viên nhau trong mọi việc. Đồng thời luôn quan tâm nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các con học tập, phát triển; và làm tốt việc chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ luôn nêu gương, chia sẻ, động viên, giúp đỡ con cháu.

Những cặp đôi trẻ 'tâm đầu ý hợp' làm giàu trên quê hương ảnh 2
Gia đình anh Quý chị Hảo là một trong những gia đình được tuyên dương trong chương trình "Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2022. Vì lý do công tác, anh Quý không cùng vợ có mặt tại Hà Nội tham dự lễ tuyên dương.

“Tâm đầu ý hợp” làm giàu nhờ cây chè

Vợ chồng anh Lý Đức Dân (SN 1993) và chị Mùng Thị Thu Thủy (SN 1996) rất “tâm đầu ý hợp” trong việc phát triển cây chè quê hương Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Cả hai vợ chồng đều nhận thấy việc trồng, thu hái chè nhỏ lẻ như nếp cũ và mang sản phẩm bán ở chợ chỉ đủ tiền đổi lương thực, thực phẩm cho gia đình. Muốn phát triển tạo nguồn thu nhập lớn, phải liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Năm 2017, vợ chồng anh Dân vận động người dân địa phương liên kết, thành lập hợp tác xã trồng và chế biến chè Thanh Thủy gồm 13 thành viên, có quy mô 150ha. Anh Dân đề xuất nhiều giải pháp phát triển hợp tác xã như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại; xây dựng thương hiệu sản phẩm Chè chốt 468; phát triển vùng nguyên liệu sạch để sản xuất chè hữu cơ...

Hợp tác xã ra đời tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng; xây dựng được thương hiệu và có sản phẩm Chè chốt 468 đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Chị Thủy nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, hai vợ chồng thường xuyên chở nhau đến các hộ trong xã để vận động tham gia dự án trồng, chế biến chè sạch, thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn. “Sau mỗi ngày đi hàng chục km đường đèo, lên đồi chè ở các thôn khác nhau để vận động mọi người, hai vợ chồng mệt lả đi. Nhiều người chưa thông, chúng tôi phải thuyết phục nhiều lần. Cả hai luôn động viên nhau, cùng quyết chí xây dựng hợp tác xã phát triển nên những khó khăn cũng dễ dàng vượt qua”, chị Thủy chia sẻ.

Anh Dân chia sẻ thêm, ban đầu hợp tác xã gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm sạch, chất lượng nhưng chưa có thương hiệu khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Một mặt quảng bá sản phẩm, mặt khác luôn tìm tòi các kênh tiêu thụ. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm dần được nhiều người biết đến.

Ngoài cây chè, vợ chồng anh Dân còn phát triển mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và gà, có thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Chính việc cùng nhau lo toan vượt thách thức để phát triển cây chè, xây dựng kinh tế gia đình đã giúp vợ chồng yêu thương nhau hơn. Tôi nghĩ hạnh phúc gia đình là khi chúng ta cùng nhau vun đắp yêu thương từ những hành động nhỏ mỗi ngày”, anh Dân cho hay.

Những cặp đôi trẻ 'tâm đầu ý hợp' làm giàu trên quê hương ảnh 3
Gia đình anh Dân chị Thủy ở Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Chương trình "vườn cây thanh niên"

Vợ chồng anh Siu Rơma Sarry (SN 1982, dân tộc Jrai) và chị Cà Bích Hoàng (SN 1984, dân tộc Thái) từ những ngày đầu gắn bó bên nhau đã xác định “hạnh phúc gia đình không thể cân đo đong đếm mà chỉ cảm nhận được trong những tháng ngày cùng nhau vượt qua thử thách cuộc sống”.

Hai vợ chồng cưới nhau năm 2012, thuê căn hộ nhỏ ở riêng. Cuộc sống bước đầu khó khăn, lương của chồng bị ảnh hưởng bởi giá cao su; vợ trực 3 ngày/tuần ở bệnh viện. Đặc biệt, dịch COVID-19 ập đến, chị đi tham gia chống dịch 6 tháng, anh một mình quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc 2 con nhỏ và người mẹ già.

Anh Sarry luôn khoe nhờ vợ nên đã có nhiều ý tưởng, sáng kiến làm lợi cho công ty và triển khai hiệu quả các hoạt động Đoàn, Hội. Anh đã đề xuất ý tưởng cải tạo hồ chứa nước thành hồ tận thu mủ serum tại các lán tập kết mủ; cải tạo các khoản đất trống xung quanh văn phòng làm việc tại các nông trường và xí nghiệp để triển khai chương trình “vườn cây thanh niên”, tạo ra nguồn quỹ hoạt động cho Chi hội…

Đặc biệt, anh đã 41 lần tham gia hiến máu cứu người; vận động các nguồn lực để hỗ trợ gần 40 triệu đồng cho 10 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài công ty. Với những đóng góp bền bỉ, anh Sarry đã nhận được Bằng khen của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH; Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021...

Những cặp đôi trẻ 'tâm đầu ý hợp' làm giàu trên quê hương ảnh 4
Gia đình anh Siu Rơma Sarry (ở Gia Lai) nhận khen thưởng tại Lễ tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

MỚI - NÓNG
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
TPO - Đại biểu Quốc hội phản ánh, có những người đặt câu hỏi, tại sao bao nhiêu năm không thiếu thuốc mà bây giờ lại thiếu thuốc? Chúng ta không thể đổ thừa hết cho COVID-19 hay chuyện này, chuyện kia, mà phải nhìn thấy rõ ràng chúng ta tự làm khó, tự làm khổ mình.