Những cái bốt

TP - Biết rõ BOT là viết tắt của mấy từ gì rồi, nhưng dân tình gần đây lại Việt hóa gọi là bốt. Bốt đồn là gì, đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh cũng đã biết từ lâu rồi. Là chiếm cứ, canh giữ, ngăn chặn, khống chế...

Bốt/BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mấy ngày qua phải xả trạm tạm dừng thu phí.

Như một hình thức hưu chiến trước “cuộc chiến tiền lẻ” mà cánh tài xế rầm rộ phát động hơn nửa tháng qua. Để nghĩ mẹo gì mới chăng? Thấy nói chủ bốt Cai Lậy đang soạn thảo quy chế thu phí mới. Đó là nếu lái xe trả phí bằng tiền lẻ, thì phải đưa xe vào làn chờ. Đợi nhân viên kiểm đếm tiền xong mới cho đi tiếp. Liệu cách ấy có hiệu quả? Ai dám nói cánh lái xe lại  không nghĩ ra chiêu khác? Khi gốc rễ vấn đề không được tháo gỡ thì cuộc chiến kiểu này còn kéo dài bao lâu?

Bây giờ, dân Việt Nam ai nấy tỏ ra rành về bốt/BOT hơn bao giờ hết. Rành về những khuất tất, nhập nhèm, chồng chéo, bất thường của nó.

Các bốt/BOT hầu hết chỉ định thầu, không qua đấu thầu. Đường sá nhà nước bỏ tiền (từ thuế dân) ra xây dựng và duy tu, thì lại cho tư nhân lập bốt chặn thu phí sau khi tráng một lớp nhựa mới cho có lệ. Mới nâng cấp tu sửa được mấy cây số đã chặn bốt thu phí. Mở đường tránh mới một nơi, nhưng chặn bốt một nẻo, tập trung vào những tuyến độc đạo có từ trước mà ai cũng buộc phải qua. Thiếu giám sát vốn đầu tư thật và doanh thu thật. Hầu hết các chủ bốt “tay không bắt giặc”, đi vay ngân hàng, rồi cộng lãi suất vào chi phí đầu tư cho dân gánh. Thời gian cho phép các bốt được thu phí quá dài, tới nhiều chục năm ...  

Như cái bốt đường tránh Thanh Hoá, mỗi ngày thu gần 2 tỷ đồng tiền tươi. Tính ra khoảng chưa đầy 3 năm đã bù lại hết chi phí đầu tư và đã hưởng lãi khủng, nhưng theo dự toán ban đầu lại được thu đến... 30 năm! Chưa hết, mang tên dự án BOT đường tránh, nhưng bốt lại được đặt ở cách tuyến tránh tới 50km, vị trí mà không xe to nhỏ bé choai nào sổng thoát! Tính ra đến nay bốt này đã thu được 7 năm. Trước áp lực dư luận, mới đây  đã có quyết định dừng thu phí tại đây.

Bốt trên quốc lộ 26 (qua Đắk Lắk) mới nâng cấp mở rộng xong 8km (trong số 20km) đã đặt bốt chuẩn bị thu phí, dự định thu trong 18,5 năm, sau rút còn 13 năm. Cùng một cơ chế BOT, nhưng xe qua bốt Cai Lậy phải chịu phí cao gấp 14 lần so với bốt cao tốc Trung Lương. 

Sau khi Thanh tra Bộ Kế hoạch & Đầu tư vào cuộc, cả nước có tới 13 bốt/BOT bị cắt giảm thời gian thu phí tới 100 năm. Cả một thế kỷ “đều như vắt chanh” thu vào mỗi ngày từ 1-2 tỷ đồng, bảo sao ai cũng điên cuồng xông lên lập bốt!?

Đất Cai Lậy có một địa danh là rạch Cái Rắn. Dân gian kể, nơi ấy xưa kia có một hang rắn lớn toàn loại dữ dằn. Lũ rắn độc này không chỉ cắn chết người, mà còn đòi ăn hối lộ. Mỗi khi làng cúng lễ đều phải hiến cho chúng một con lợn trắng mới được yên.

Những cái bốt trên khắp cả nước, đừng để lưu dấu lại thành những câu chuyện dân gian thời hiện đại.

MỚI - NÓNG