Bất thường trong dự án Cai Lậy: 'Mượn đầu heo nấu cháo'

Đoạn đường tránh thị xã Cai Lậy có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Đoạn đường tránh thị xã Cai Lậy có 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
TP - Năng lực của chủ đầu tư dự án Cai Lậy chỉ chiếm 15% vốn đầu tư; 85% số vốn còn lại chủ đầu tư huy động từ các tổ chức tín dụng.

Báo Tiền Phong số 230 đã đăng bài “Bất thường trong dự án Cai Lậy” nêu lên những bất cập của dự án này. Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục những vấn đề như: chủ đầu tư đã rút ngắn thời gian thu phí và năng lực của chủ đầu tư chỉ chiếm 15% vốn đầu tư; 85% số vốn còn lại chủ đầu tư huy động từ các tổ chức tín dụng.

Ông Trần Văn Bon-Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang xác nhận, trước đây chỉ có một hạng mục làm mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 12 km, nhưng sau đó có thêm hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5 km tuyến QL1.

“Những hạng mục công trình này là do Bộ GTVT quyết định hết. Quá trình sử dụng, nếu đoạn QL1 dài 26,5 km này và tuyến tránh Cai Lậy bị hư hỏng thì chủ đầu tư sẽ phải duy tu, sửa chữa trong thời gian thu phí”- ông Bon nói. Việc tìm cách cho “mọc” thêm 26,5 km QL1 vào dự án để cải tạo là cớ để đặt trạm trên QL1 và tận thu các phương tiện, dù không sử dụng tuyến tránh. Khi 26,5 km đường QL1 bổ sung vào dự án, lập tức nhà đầu tư cho đặt trạm thu phí trên đường QL1.

Đáng nói nhất, thời gian thu phí của dự án cũng được điều chỉnh đáng kể. Cụ thể, thời gian thu phí được duyệt ban đầu là trong vòng 7 năm 5 tháng, dự kiến bắt đầu thu từ tháng 1/2016. Tuy nhiên sau đó được giảm xuống còn 6 năm 4 tháng 29 ngày, ít hơn một năm so với công bố trước đó.

Chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy hiện tại cũng có sự thay đổi. Liên danh nhà đầu tư thời điểm ban đầu là CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa –Vũng Tàu (BVEC) và CTCP Đầu tư Thương mại và xây dựng giao thông 1. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2015, với tổng mức đầu tư theo hình thức BOT là 1.398 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin mới nhất Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Bộ GTVT) cho biết, BVEC không còn trong danh sách nhà đầu tư dự án BOT Cai Lậy. Thay vào đó, chủ đầu tư dự án này là liên doanh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1. Tổng vốn đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên 1.398 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của hai đơn vị kể trên là 210 tỷ đồng (Trong đó, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái 136,5 tỷ đồng  và Công ty CPĐT thương mại và xây dựng giao thông 1 là 73,5 tỷ đồng), chỉ chiếm 15% vốn đầu tư; 85% số vốn còn lại chủ đầu tư huy động từ các tổ chức tín dụng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vốn đối ứng của chủ đầu tư ít, phần lớn vốn đầu tư dự án phải đi vay ngân hàng, sau đó thu phí cao để lấy lại vốn thì chẳng khác “mượn đầu heo nấu cháo”. “Cuối cùng, người dân phải gánh chịu lãi ngân hàng thay nhà đầu tư”- ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG