Những biến chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Những biến chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
TPO - Bạn có thể biết những triệu chứng điển hình của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhưng lại không biết được các biến chứng tiềm ẩn của bệnh và các thuốc được dùng để điều trị bệnh.

> Sáu cảnh báo sức khỏe đe dọa phụ nữ

Dưới đây là những bí kíp giúp bạn đối phó với các biến chứng thường gặp của bệnh:

Những biến chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh 1

1. Trầm cảm

Thở gấp hạn chế nhiều hoạt động khiến bạn cảm thấy chán nản. Bạn không nên lơ là với cảm giác của mình, hãy đi khám sức khỏe để sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm sự. Bạn hãy liên hệ với những người bị bệnh COPD thông qua nhóm hỗ trợ và chương trình phục hồi chức năng phổi.

2. Loãng xương

Sử dụng steroid khiến bạn có nguy cơ loãng xương hoặc yếu xương. Cả nam giới và nữ giới thường bị loãng xương khi về già và bạn nên đi khám để kiểm tra mật độ xương. Để duy trì xương chắc, khỏe; bạn cần sử dụng thuốc theo đơn cùng với chế phẩm bổ sung canxi và vitamin D. Ngoài ra, bạn nên tích cực luyện tập. Một nghiên cứu cho thấy tập tạ, cũng như tập sức bền, có thể tăng cường sức khỏe xương.

3. Viêm phổi

Viêm phổi khá phổ biến ở những người dùng steroid để điều trị các triệu chứng COPD. Nếu chưa dùng thuốc, bạn có thể tư vấn bác sĩ để tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm phổi. Phần lớn người bệnh chỉ cần một liều trong suốt đời, tuy nhiên đối với những người đã dùng steroid trong một thời gian dài để giảm sưng nề đường hô hấp thì có thể dùng liều thứ hai.

Những biến chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh 2

4. Suy tim phải

COPD có thể dẫn đến suy tim phải. Đây là hiện tượng buồng tim phải trở nên phình to và không thể bơm máu hoàn hảo, kéo theo tăng áp lực động mạch phổi, khiến nồng độ ôxy trong máu thấp. Một số triệu chứng của suy tim phải như khó chịu ở vùng ngực và các đợt ngất xỉu. Để kiểm soát triệu chứng bệnh, bạn hãy đi khám bệnh để được kê đơn thuốc, bổ sung ôxy hoặc chế độ ăn ít muối. Nếu hút thuốc, bạn nên lập kế hoạch cai thuốc dần dần.

5. Bệnh zona

So với những người bình thường, bệnh nhân COPD có nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn - một căn bệnh gây đau đớn do vi-rút thủy đậu gây nên. Dùng steroid làm tăng nguy cơ bị zona: nguy cơ tăng gấp 2 lần ở người bệnh COPD sử dụng steroid dạng hít và tăng gấp 3 lần ở người dùng steroid đường uống. Bạn hãy đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin zona một lần giúp phòng ngừa và giảm tác động của bệnh.

6. Khó ngủ

COPD có thể khiến bạn khó ngủ. Thủ phạm là do sử dụng thuốc giãn phế quản vì phần lớn những thuốc này là chất kích thích. Ho cũng như nồng độ ôxy thấp là thủ phạm và thường gặp ở người bệnh COPD nặng. Nếu bị mất ngủ hoặc ngủ nhiều, bạn hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và điều trị.

Một số thói quen ngủ tốt dưới đây bạn nên tham khảo:

· Hàng ngày đi ngủ và thức dậy đúng giờ, kể cả kỳ nghỉ cuối tuần.

· Tránh uống đồ uống chứa caffeine trước khi đi ngủ.

· Không đọc hoặc xem TV trên giường.

· Bố trí phòng ngủ tối, thoáng khí và thoải mái.

7. Thừa cân

Một số loại thuốc điều trị COPD như steroid có thể khiến bạn tăng cân. Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường, thừa cân khiến các triệu chứng COPD nặng hơn vì thừa cân buộc cơ thể bạn phải làm việc nhiều hơn và cản trở phổi giãn nở hoàn toàn. Nếu bác sĩ khuyên bạn giảm cân, hãy đăng ký tham gia một chương trình giảm cân.

Một số người bị COPD gặp phải vấn đề ngược lại: họ không thể ăn đủ để duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý vì hoạt động thở tiêu tốn nhiều năng lượng. Tuy nhiên, ăn quá no khiến bạn khó thở sâu.

8. Triệu chứng tiểu tiện

Trong một nghiên cứu gần đây, nam giới cao tuổi dùng thuốc kháng cholin dạng hít để kiểm soát bệnh COPD có nguy cơ bí tiểu cấp tính cao hơn 48% - một tình trạng gây đau và khó chịu do đột ngột không đi tiểu được. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu khó đi tiểu và cần điều trị sớm bằng cách thông bàng quang.

Minh Châu
Theo H.M

Theo Dịch
MỚI - NÓNG