Từ kho vũ khí dưới lòng đất...
Trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên có ghi chép rõ về lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đây là công trình khổng lồ, sử dụng 70 vạn nhân công xây dựng trong 38 năm, hao phí 1/3 tài sản quốc gia. Nhưng tại sao công trình hoành tráng như thế mà nay chỉ thấy gò hoang trơ cùng tuế nguyệt, không có thành cao lũy sâu, cung điện nguy nga? Chẳng lẽ bí mật về lăng Tần Thủy Hoàng chỉ là câu chuyện hư không?
Phác họa cấu trúc lăng tẩm Tần Thủy Hoàng.
Vào tháng 3/1974, vùng Thiểm Tây, Trung Quốc hạn hán nặng chưa từng có, nông dân ở dưới chân núi Ly Sơn buộc phải đào giếng. Ở một bên giếng sắp đổ của thôn dân Dương Chí Phát bất ngờ phát hiện những tượng người bằng đất, hình dạng như chiến binh, giống tượng thần mà không phải... Đó chính là "đạo quân dưới lòng đất" của Tần Vương Doanh Chính với hơn 8.000 binh mã, tạo hình cực kỳ tinh xảo, thần thái không giống nhau. Nếu vị trí cái giếng này chỉ hơi lệch một chút, thì có lẽ lịch sử vương triều hơn 2000 năm trước vẫn còn ngủ yên trong lòng đất.
Điều khiến các nhà khảo cổ quan tâm là những tượng chiến binh bằng đất nung này được phát hiện cách chỗ lăng Tần Thủy Hoàng đến 1,5km, chúng có liên quan gì đến lăng mộ hay không? Các triều Tần phổ biến lối "bồi táng", khi chủ nhân chết thường giết theo những tù binh, nô lệ, người hầu để tiếp tục cuộc sống bên kia thế giới. Nhưng đến Tần Thủy Hoàng thì tục lệ man rợ này được xóa bỏ, thay vào đó là những tượng binh mã bằng đất làm hộ vệ dưới âm phủ, đây có thể coi là một chuyển biến nhân đạo của vị hoàng đế nổi tiếng hiếu sát này. Nhưng chẳng lẽ chỉ có bấy nhiêu?
Mãi đến tháng 6/1996, các sinh viên thực tập của Khoa Khảo cổ, Đại học Bắc Kinh tình cờ phát hiện dấu vết của than củi và đất nung trong bùn gần lăng Tần Thủy Hoàng. Khai quật một hầm rộng 153m², các chuyên gia rất bất ngờ khi thấy trong đó chất hàng vạn chiếc áo giáp bằng đá. Phương thức sắp xếp giống như đội binh mã đất nung, cứ 4 cái xếp thành một nhóm. Khảo sát cách chế tác những áo giáp đá, các chuyên gia thấy chúng chỉ dày 0,3cm, trong khi theo máy cắt đá hiện nay thì mỏng nhất cũng phải 0,5cm.
Như vậy những người thợ xưa chỉ có cách mài thủ công để tạo nên áo giáp đá. Nhưng họ làm thế nào để tạo lỗ trên miếng áo giáp? Loại đá này rất giòn, dễ vỡ, chỉ có cách nhỏ nước liên tục mới có thể làm được. 3 nhân viên khảo cổ thử sử dụng cách này phải mất 3 tháng mới tạo được một chiếc áo giáp 600 miếng giáp. Một người thợ giỏi phải mất khoảng 1 tháng mới làm xong 1 áo giáp đá. Tốn công tốn của để tạo ra thứ đồ không có giá trị thực dụng như vậy để làm gì?
Các chuyên gia đoán rằng: Kho áo giáp đá này là kho quân giới của đội binh mã cõi âm - quân đoàn bảo vệ Tần Thủy Hoàng. Đội binh mã đều hướng mặt về phía đông, sẵn sàng xung trận nếu quân vương của 6 nước đã bị Tần thôn tính muốn chống lại Tần Thủy Hoàng dưới âm gian. Dụng ý của Tần Thủy Hoàng là có thể thống nhất cả cõi âm sau khi chết, làm hoàng đế vĩnh viễn chốn âm cung?
Ai cũng biết Tần Thủy Hoàng muốn trường sinh bất tử, từng sai đạo sĩ Từ Phúc dẫn 500 đồng nam, đồng nữ ra biển tìm thuốc... Nhưng Tần Thủy Hoàng cũng lường trước cái chết không thể tránh khỏi nên đã có chuẩn bị thế giới cõi âm cho mình.
Nghi vấn về “vương quốc cõi âm”
Hàng ngàn năm qua đã có biết bao câu chuyện truyền kỳ xung quanh địa cung của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, phủ lên một màn khói sương huyền bí. "Tam Phụ cố sự" chép rằng, khi Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ diệt nhà Tần đã cho 30 vạn quân quật lăng Tần Thủy Hoàng, bỗng thấy trong lăng có một con chim ưng bằng vàng bay lên và thẳng về phía nam... Trải mấy trăm năm sau, vào đời Tam Quốc có người bắt được con chim ưng bằng vàng, đại quan Trương Thiện đọc những chữ cổ trên mình chim và đoán rằng đó là vật táng trong lăng Tần Thủy Hoàng...
"Ngọn núi" nằm bên dưới chân núi Ly Sơn là phần mộ của Tần Thủy Hoàng, nhưng bí ẩn của nó nằm sâu trong địa cung thâm u thần bí. Khu mộ được bao bọc hai lớp thành lũy theo kiểu chữ "hồi"-gồm 2 đường chạy bọc lấy nhau dài hơn 10.000m. Riêng hình thế và kết cấu bên trong của địa cung thì đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Rất nhiều câu hỏi tồn tại từ bao đời nay xung quanh "vương quốc dưới lòng đất": Kết cấu địa cung là như thế nào? Trong địa cung chứa bao nhiêu châu báu? Bên trong có thiết lập máy móc chống trộm? Địa cung sâu bao nhiêu? Quan và quách của Tần Thủy Hoàng làm bằng vật gì? Thi thể có còn hoàn chỉnh không?...
"Sử ký" của Tư Mã Thiên có chép về địa cung Tần Thủy Hoàng rất vắn tắt và khó hiểu: "Xuyên qua 3 suối, dưới là đồng rồi đến quách... đồ quý giá kỳ lạ chứa đầy. Sai thợ làm máy bắn cung nỏ, kẻ nào tới gần thì tự bắn. Dùng thủy ngân làm trăm dòng, sông ngòi biển cả, trên sắp thiên văn, dưới bày địa lý, dùng mỡ nhân ngư (tức con báo biển) làm đuốc để cháy mãi không tắt".
Tư Mã Thiên cũng có nói "phần mộ Tần Thủy Hoàng cao hơn 50 trượng", tức khoảng 115m, qua nhiều lần đo đạc, kết quả chính xác hiện nay là 55,5m, như vậy mấy ngàn năm qua do đất bị bào mòn mà sạt xuống thấp hơn một nửa. Đất bọc quanh lăng theo hình chữ nhật, chiều nam-bắc dài 515m, đông-tây rộng 485m, chiếm diện tích gần 250.000m². Từ trên xuống dưới có 3 tầng gồm ngoại cung, nội cung và tẩm cung.
Địa cung sâu bao nhiêu?
Địa cung Tần Thủy Hoàng có tổng diện tích 41.600m², tương đương 5 cái sân bóng đá quốc tế, quy mô lớn nhất đời Tần Hán. Nhưng độ sâu thì vẫn chưa thống nhất. "Sử ký" nói "xuyên qua ba suối", "Hán-Cửu nghi" nói "sâu đến cực sâu", tức địa cung được đào sâu đến mức không thể đào thêm được nữa? Địa cung thần bí đã kích thích nhà vật lý nổi tiếng Đinh Triệu Trung, ông cùng 3 nhà khoa học khác khảo sát và đưa ra dự đoán độ sâu của địa cung là từ 500m đến 1.500m. Nhưng sau đó giả thuyết này bị sụp đổ.
Đội quân "binh mã dõng" dưới lòng đất.
Giả định địa cung đào sâu 1.000m thì nó đã vượt quá mức chênh lệch giữa vị trí lăng mộ với sông Vị ở phía bắc, như vậy sông Vị sẽ đảo dòng đổ vào địa cung. Tiếp đó các nhà khảo cổ, địa chất học Trung Quốc tiếp tục thăm dò độ sâu địa cung bằng nhiều cách. Căn cứ số liệu khoan sâu mới nhất, độ sâu thực tế của địa cung mộ Tần Thủy Hoàng tương đương hầm mộ Tần Công số 1 ở Chỉ Dương, tức từ miệng hầm mộ đến đáy là 26m. Nhưng công tác khảo sát độ sâu vẫn còn tiếp tục.
Địa cung có mấy cửa?
Tần Thủy Hoàng qua đời đến năm thứ hai thì công trình lăng mộ mới hoàn tất. Ngay khi làm xong, con Tần Thủy Hoàng là Nhị Thế Hồ Hợi đã ra lệnh giết hết những người thợ trong địa cung. "Sử ký" chép: "Đại sự hoàn thành, đã chôn, đóng cửa giữa, hạ cửa ngoài, chôn kín hết thợ không ai ra được".
Quan tài và đồ tùy táng đều được đặt phía trong cửa giữa, thợ đang làm việc bên trong thì đột nhiên cửa giữa đóng lại, cửa ngoài hạ xuống, chôn sống hết thợ trở thành vật bồi táng. Có thể suy đoán địa cung có 3 cửa cùng trên một trục thẳng, cửa ngoài là thả từ trên xuống; cửa giữa kẹp hai bên vách địa cung là khối cửa đá khổng lồ, không thể lay chuyển được; cửa trong cũng như cửa giữa, là mộ cửa chết.
"Thiên văn, địa lý" trong địa cung là gì?
Nhà khảo cổ nổi tiếng Hạ Đỉnh từng suy đoán rằng: "Trên sắp thiên văn, dưới bày địa lý" là nói trên đỉnh nhà mộ có vẽ hoặc khắc hình mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Nhiều ngôi mộ đời Hán ở Tây An có những bích họa minh chứng vấn đề này".
Có thể mặt trên phía trong địa cung lăng mộ Tần Thủy Hoàng sẽ có hình ảnh hoàn chỉnh về 28 vì sao (nhị thập bát tú), mặt trời, mặt trăng, còn phía dưới đổ thủy ngân làm sông suối. Như vậy, trong "vương quốc dưới lòng đất, linh hồn Tần Thủy Hoàng vẫn có thể "ngửa xem thiên văn, cúi xét địa lý", thống trị tất cả nơi này.
Có thủy ngân trong địa cung?
Trong “Sử ký”, “Hán thư” đều chép về việc sử dụng thủy ngân làm sông suối, biển hồ trong địa cung Tần Thủy Hoàng, nhưng để chứng thực có hàm lượng thủy ngân hay không là câu hỏi kéo dài đã mấy ngàn năm. Hai chuyên gia địa chất là Thường Dũng, Lý Đồng đã nhiều lần đến lăng Tần Thủy Hoàng lấy các mẫu vật phẩm để thử.
Kết quả là riêng đất xung quanh lăng đã có hiện tượng "nhiễm thủy ngân dị thường", hàm lượng thủy ngân ở dưới địa cung còn cao hơn bề mặt gấp trăm lần. Theo kết quả khảo sát mới đây thì nồng độ thủy ngân trong địa cung cao hơn mức bình thường đến 280 lần, nếu kẻ trộm mộ vào trong địa cung thì thủy ngân đủ sức giết chết ngay. Cũng nhờ vậy mà địa cung vẫn nguyên vẹn đến nay.
Địa cung có bao nhiêu châu báu?
Trước cả Tư Mã Thiên, học giả Lưu Hướng đời Hán từng cảm thán: "Xưa nay chưa từng có lễ táng nào như Thủy Hoàng". Tư Mã Thiên thì nói trong địa cung chất đầy đồ quý giá kỳ lạ, có chim ưng vàng, châu ngọc, phỉ thúy... Như vậy trong địa cung chứa bao nhiêu châu báu? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Nhưng từ cuối năm 1989, tổ công tác tìm thấy ở mé tây ngoài địa cung một số xe ngựa lớn bằng đồng có trang trí hoa văn rất tinh tế, tạo hình chuẩn xác. Trước đó đã khai quật được những cỗ xe ngựa bằng gỗ, bên trong có các đồ trang sức bằng vàng, bạc, đồng đúc thành. Phía ngoài địa cung mà đã có những vật tùy táng quý như vậy thì chắc chắn bên trong địa cung hẳn còn không ít trân bảo tùy táng.
Quách bằng đồng hay gỗ?
Do “Sử ký” viết mơ hồ "đồng ở dưới rồi đến quách" (hạ đồng nhi chí quách), nên nhiều người cho rằng Tần Thủy Hoàng sử dụng quan tài bằng đồng. Nhưng phần minh văn trong “Hán thư” có ghi "đồng lót ở phía trong, sơn quét ở ngoài, châu ngọc gắn vào, trang sức bằng phỉ thúy, quan quách đẹp không gì sánh bằng", nếu đúng vậy thì quan quách ở đây phải là bằng gỗ, nếu bằng đồng hoặc đá thì không thể quét sơn và trang sức.
Có máy bắn tên tự động?
Tần Thủy Hoàng lo nghĩ rất nhiều về việc phòng ngừa bọn trộm mộ. Cổ thư có ghi việc chế máy bắn tên tự động trong địa cung nếu có kẻ đến gần. Nếu đúng như vậy thì đây là máy chống trộm tự động sớm nhất thế giới.
Đời Tần đã phát minh ra loại cung nỏ liên châu bắn liên tiếp 3 mũi tên, nhưng lắp đặt ẩn mật trong địa cung phải là loại bắn tên tự động khi có vật bên ngoài chạm vào. Đời Tần Thủy Hoàng cách nay hơn 2.200 năm lại có thể chế ra máy bắn tên tự động cao siêu như vậy sao? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.
Thi hài Tần Thủy Hoàng còn hoàn chỉnh không?
Năm 1976, ở khu mộ đời Hán, gò Mã Vương, đã khai quật một di thể phụ nữ còn nguyên vẹn làm chấn động thế giới. Có nhà khoa học dự đoán rằng di hài Tần Thủy Hoàng cũng sẽ được bảo tồn hoàn chỉnh như vậy.
Nếu từ góc độ kỹ thuật bảo quản xác ướp của di thể người phụ nữ thời Tây Hán cách đời Tần không quá 100 năm, có thể nói đời Tần đã có kỹ thuật ướp xác khá tốt. Nhưng vấn đề là ở chỗ, Tần Thủy Hoàng chết trên đường tuần du mà lúc ấy đang mùa hè rất nóng, quan lại thân cận giấu tin này nên cứ cho xe đi bình thường, không được bao xa thì thi hài bốc mùi hôi thối, Hồ Hợi, Triệu Cao bèn cho người chất lên xe hàng giỏ cá bào (một loại cá rất tanh) kéo theo để át bớt mùi.
Trải qua 50 ngày như thế mới đưa thi hài Thủy Hoàng về đến kinh đô Hàm Dương phát táng. Như vậy, Tần Thủy Hoàng từ lúc chết đến lúc chôn là gần 2 tháng. Theo kinh nghiệm bảo quản thi hài hiện nay thì di thể phải được xử lý ngay sau khi qua đời, nếu kéo dài thời gian thì thi hài bắt đầu biến đổi, ngay kỹ thuật tiên tiến nhất cũng không thể làm gì được. Di thể Tần Thủy Hoàng trên đường đi đã thối rữa, chuyển về Hàm Dương cũng không xử lý sợ rằng hình hài đã nát. Vì thế hy vọng về di thể Tần Thủy Hoàng hoàn chỉnh là rất mong manh.