Ngôi chùa nhiều báu vật
Quần thể khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2013. Quần thể chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng.
Đây là ngôi chùa rất đặc biệt, với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạc, hậu thất tinh, mặt trước có 6 quả núi giữa lòng hồ. Tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống. Hậu thất tình nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về đêm. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận chùa Tam Chúc có niên đại trên 1.000 năm.
Điều đáng lưu tâm, toàn bộ tường của chùa Tam Chúc được ráp bằng 12.000 bức tranh đá nham thạch miêu tả các sự tích của Đức Phật. Những phiến đá nham thạch được tạc thành tượng tại Indonesia, sau đó chuyển về chùa Tam Chúc và ráp lại thành bức tường. Ngoài ra khuôn viên của ngôi chùa thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn.
Hiện 3 bức tượng phật tổ được đúc bằng đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn đang ngự tại ngôi chùa này.
Ngày 22/7/2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức lễ rước và trồng thành công cây bồ đề do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đây là cây bồ đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura - Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ 2.250 tuổi và được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka. Năm 247 (trước công nguyên), Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía nam của cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka.
Không những thế, ngôi chùa này còn sở hữu thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5kg được đặt tên là “The Moon Puzzle” trị giá trên 600.000 USD tương đương 14 tỷ đồng.
Được biết, thạch mặt trăng rơi từ không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017. Ngày 19/10/2018, tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston (Mỹ), Doanh nghiệp Xuân Trường tại Ninh Bình đã trúng đấu giá khối đá này.
Mỗi lần PV Tiền Phong có dịp trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang, ông đều ca ngợi về vẻ đẹp thiên nhiên của khu vực chùa Tam Chúc. Ông Khang đánh giá khu vực Tam Chúc như Hạ Long trên cạn và Tỉnh uỷ Hà Nam có cả nghị quyết để “đánh thức” tiềm năng khu vực này.
Quan sát của phóng viên cho thấy, Tam Chúc là vùng núi đá vôi ngập nước rất độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vỹ. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Có lẽ vì thế, mà Tam Chúc còn được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi ở thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Hồ Tam Chúc có diện tích mặt nước rộng tới 600 ha, có 6 ngọn núi đá mọc lên từ mặt nước có tên là hồ Lục Nhạc.
Ngôi chùa đầy huyền bí
Trò chuyện với phóng viên, ông Trần Văn Độ ở Kim Bảng, Hà Nam kể, Ba Sao gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.
Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng lung linh. Sau đó người đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao đó. Chính vì 4 ngôi bị đốt nhiều nên bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao.
Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” thuộc thị trấn Ba Sao (Kim Bảng), ông Độ nói.
Điều khiến du khách mê mẩn đó là Tam Chúc nằm trong vùng in đậm dấu ấn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như, động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, động Lim, động Đề Yêm, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng...
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Nguyễn Đình Khang, quần thể chùa Tam Chúc là khu tâm linh được quy hoạch trên diện tích 147 ha với mặt bằng xây dựng chùa Ba Sao rộng 44 ha bao gồm các hạng mục: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng
Tam Quan kết hợp các tòa tháp có địa thế cao trên 40m so với mặt hồ. Theo con đường mòn lên sườn núi Thất Tinh, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn và
là pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Khu bảo tồn di tích, rừng và cảnh quan thiên nhiên khu vực chùa Tam Chúc cũng đã được quy hoạch với diện tích 2.415 ha.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, dù đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng quần thể chùa Tam Chúc được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu du lịch tâm linh đầy tiềm năng. Theo vị doanh nhân này, khi hoàn thiện chùa Tam Chúc trở thành trung tâm du lịch tâm linh kết nối khu du lịch chùa Hương (Hà Nội) và quần thể du lịch Vân Long - Hoa Lư - Tam Cốc - Bích động - Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình). Chùa Tam Chúc cũng là nơi diễn ra đại lễ Vesak 2019.