Nhức nhối cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu

TP - “Cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp mà thực sự nâng niu, trân trọng và coi đó là trách nhiệm của mình? Hay họ tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm doanh nghiệp, người dân ngại ngần, sợ hãi với thủ tục hành chính?”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nêu câu hỏi tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 3/11.

ĐB Dương Văn Thống (Yên Bái) nêu băn khoăn về bộ máy cồng kềnh, không ít bộ phận không cần thiết cho công tác lãnh đạo, điều hành. “Tôi cũng làm trưởng ban chỉ đạo, vừa rồi Trung ương xóa một ban, chúng tôi xóa một ban, còn hai ban nữa, nếu có thẩm quyền tôi cũng đề nghị xóa luôn”, ông Thống nói, Phó Bí thư Thường trực Yên Bái ví dụ thêm ở địa phương mình, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước năm 2016 là hơn 17.200, với 1.100 tỷ trong tổng chi thường xuyên hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhức nhối cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Như Ý.

Nguyên nhân theo ông Thống, do tổ chức bộ máy vẫn tăng, nhiều điểm bất hợp lý chưa được xử lý. Ông Thống cho rằng, nếu rà soát sửa đổi tổng thể cả bộ máy, ít tổ chức đầu mối hơn, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ kiên quyết hơn…chắc chắn giảm được chi ngân sách. Từ đó, tham nhũng, nhũng nhiễu cũng sẽ giảm theo. ĐB Thống đề nghị thành lập cơ quan lâm thời của Trung ương rà soát lại tổng thể, trong vài năm có thể thu gọn bộ máy, giảm nhân sự.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận, đang có tình trạng bố trí, sắp xếp, phân công không phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường. Ông Hiểu đặt câu hỏi: Cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp mà thực sự nâng niu, trân trọng và coi đó là trách nhiệm của mình? Hay họ tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm doanh nghiệp, người dân ngại ngần, sợ hãi với thủ tục hành chính?

Nguy cơ mất vốn không chỉ ở 5 dự án “khủng”

Một trong những mối lo được các ĐBQH nêu ra là tình trạng đầu tư lãng phí nghìn tỷ tại nhiều địa phương. Theo ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam), hiện chúng ta đang rất khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên, đầu tư theo kiểu phong trào với nhiều dự án nhà máy đường, sản xuất xăng sinh học Ethanol... chưa hình thành đã chết yểu. Do đánh giá tác động chưa toàn diện nên để lại nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội nhiều năm.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi: Ngoài những công trình đắp chiếu làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, chúng ta nghĩ gì về những công trình còn nguy hại hơn như Formosa sẽ đeo đẳng nỗi lo phải đối phó đủ 70 năm thuê đất? Rồi những thông tin về dự án Nghi Sơn mà ĐBQH đưa ra khiến mọi người giật mình. “Có cử tri nhắc nhở chúng tôi rằng, với một nhiệm kỳ 5 năm, các vị hãy có trách nhiệm với tương lai lâu dài. Đừng đặt tương lai của con cháu chúng ta lên lưng hổ để đâm lao phải chạy theo lao”, ông Quốc nêu.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, không chỉ có 5 dự án lớn gây lãng phí như báo cáo, mà một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng, nếu vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời sẽ kém hiệu quả, mất vốn. Những dự án như giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và các dự án về Ethanol, cồn sinh học đều diễn ra trong một thời gian rất dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt. “Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này, sau đó sẽ báo cáo cụ thể với Chính phủ”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, một số dự án, ví dụ nhà máy sợi Đình Vũ hay Ethanol đã có Thanh tra của Chính phủ vào cuộc, sắp có kết luận. Các nhà máy như gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình thì Bộ Công Thương đang cho thanh tra, cũng sắp có kết quả và sẽ báo cáo với Thủ tướng về những biện pháp xử lý dứt điểm.

“Những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý”, ông Trần Tuấn Anh nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.