'Điểm huyệt' nhũng nhiễu, tiêu cực

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương
TP - Phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội ngày 2/11 nóng lên trước những phát biểu, những câu chuyện “điểm huyệt” mà đại biểu Quốc hội nêu ra về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước.

Sự nhũng nhiễu đó đến từ nhiều cách, từ việc gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, xin học, xin giấy tờ… cho đến cách “thăm hỏi” sức khỏe doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi, chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn, việc gì không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt và việc “thăm hỏi” là thường xuyên, thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét gì mà chỉ để xin kinh phí hỗ trợ (mà một số người uất ức nói là xin đểu)”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương kể.

Đáng lưu ý là những hành động “thăm hỏi” đó dù đã nhiều lần bị dư luận phản ánh, cơ quan chức năng chấn chỉnh nhưng lại không giảm. Theo ông Cương, nếu như trước đây việc “thăm hỏi” doanh nghiệp thường chỉ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán thì nay “tần suất” lại tăng lên, vào cả các dịp lễ bình thường, dịp nghỉ hè tổ chức hội nghị.  Và, dẫu biết rằng xin - cho là tuỳ tâm nhưng như đại biểu phản ánh: Nếu không cho thì doanh nghiệp sẽ chuốc lấy “khó dễ”.

Thực tế, phản ánh trên của đại biểu phần nào phù hợp với Báo cáo thẩm tra của ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, trong đó cơ quan trên đã chỉ ra một lưu ý đáng lo ngại là, người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.

Vì nhũng nhiễu, tiêu cực, buông lỏng trách nhiệm để rồi dẫn đến một thực tế buồn là trong nhiều vấn đề, lẽ ra quản lý nhà nước phải đi trước một bước thì lại chạy sau. Đơn cử như những vấn đề sập mỏ khai thác đá vài chục người chết, sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi, lật thuyền du lịch trái phép nhiều người chết, hay như cháy cơ sở karaoke khiến nhiều người chết…  cứ khi xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến rồi tuyên bố: “sẽ rà soát hết và xử lý nghiêm vi phạm”. “Vâng, lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không phải xảy ra mới làm”, ông Cương nêu quan điểm.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp vì biết rằng muốn phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp là rất to lớn. Tuy nhiên, như ông Cương nói, nếu không chống được nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và có đạt được cũng không bền vững.

MỚI - NÓNG