Nhộn nhịp kịch hè thiếu nhi

Nàng công chúa đi lạc được đầu tư về trang phục màu sắc thu hút khán giả nhí.
Nàng công chúa đi lạc được đầu tư về trang phục màu sắc thu hút khán giả nhí.
TP - Trái với sự nghèo nàn, khan hiếm như nhiều năm trước, các sân khấu kịch TPHCM năm nay đón đầu khá sớm mùa kịch hè dành cho các thiên thần nhí. Chưa chính thức vào hạ, nhưng các vở kịch đã rục rịch ra rạp.

Lọ lem, hoàng tử, công chúa truyền cảm hứng

Suất công diễn Lọ Lem và hoàng tử mở màn cho chuỗi kịch hè thiếu nhi của sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn ra vào tối 15/5 đông nghịt khán giả nhí lẫn người lớn. Ngoài yếu tố miễn phí cho các khán giả nhí dưới 1,1m, Lọ Lem và Hoàng tử được đầu tư hoành tráng, chăm chút khá kỹ với cảnh trí lung linh, màu sắc, trang phục vui nhộn nên hút khán giả.

Bám khá sát với nguyên bản, nhưng lại sáng tạo với cái kết đầy bất ngờ, vở kịch khiến nhiều fan nhí thích thú. Đặc biệt, việc diễn kịch tương tác cùng khán giả, nhất là những cảnh “nhờ vả” nhặt đậu đen đậu trắng, những mảng miếng sôi động, khiến khán giả thiếu nhi phấn khích reo hò. NSƯT Thành Hội cho biết, sở dĩ trong dàn dựng có giao lưu với các khán giả nhí, chính là để thông qua vở diễn gửi đến khán giả những bài học giáo dục ý nghĩa, dễ nhớ hơn.

Chúng tôi muốn gửi vào đó ước mơ và tình yêu thương. Hãy dùng tình yêu thương để tìm thấy tình yêu thương. Phải lý giải để các em khi xem kịch vẫn thích thú với câu chuyện cổ tích quen thuộc với thế giới của các em, nhưng vẫn hiểu hoàng tử tìm thấy Lọ Lem vì tìm được ở đó một tấm lòng nhân ái chứ không phải chỉ tìm thấy người mang vừa chiếc giày”.

Ái Như, tác giả kịch bản Lọ lem và hoàng tử

Với thế mạnh nhiều năm liền dựng kịch hè phục vụ khán giả nhí, sân khấu kịch Idecaf ra mắt Nàng công chúa đi lạc sau Hoàng Thái Thanh 1 tuần. Vở diễn được kết hợp từ cảm hứng của câu chuyện Cô bé Lọ Lem và Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Nàng công chúa đi lạc nằm trong chuỗi kịch Ngày xửa ngày xưa đã đi tiên phong trong hoạt động sân khấu phục vụ khán giả nhỏ tuổi, trở thành món ăn tinh thần rất được yêu thích của thiếu nhi TPHCM mỗi dịp hè và Trung thu (phục vụ 35.000 – 40.000 lượt khán giả mỗi đợt diễn).

Chưa đến ngày công diễn nhưng nhiều khán giả nhí rất hào hứng đến nhà hát Bến Thành đặt vé, và chờ đợi món ăn quen thuộc. Vũ Minh, đạo diễn nhiều tác phẩm kịch hè dành cho thiếu nhi của Idecaf tiết lộ: “Nàng công chúa đi lạc được chi mạnh tay hơn cho trang phục, âm nhạc, sân khấu, ý tưởng để tạo ra một không gian thần tiên lôi cuốn khán giả nhí”.

Nàng công chúa đi lạc quy tụ toàn bộ lực lượng diễn viên hùng hậu của sân khấu IDECAF: Các NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên; các nghệ sĩ Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hoàng Trinh, Bạch Long, Đức Thịnh, Thanh Vân, Quốc Trung, Quốc Tuấn… cùng sự hỗ trợ của nhiều diễn viên trẻ, diễn viên quần chúng. Đặc biệt, các diễn viên chính của vở đều đảm nhận từ 2 vai diễn trở lên với tạo hình và tính cách khác nhau, điển hình như: NSƯT Thành Lộc thể hiện đến 4 vai là Chúa tể bóng đêm, phù thủy, Bá tước phu nhân và Lọ Lem; NSƯT Mỹ Duyên vào vai công chúa và cô gái bán đậu…

Người gỗ, nữ thần mặt trăng tung hoành

Chỉ ngoại trừ sân khấu Thế giới trẻ biểu diễn lại vở được dựng từ năm ngoái (Tên trộm thành Bát đa), còn lại hầu hết các sân khấu trẻ đều đưa vào dàn dựng và công diễn nhiều vở kịch mới để phục vụ dịp hè. Sinh sau đẻ muộn nhưng sân khấu kịch của nghệ sĩ Minh Béo cũng tham gia dựng vở mới phục vụ thiếu nhi trong dịp hè. Nữ thần Mặt trăng là câu chuyện được xây dựng theo mô típ thần tiên với câu chuyện về nữ thần Mặt trăng vì phạm lỗi bị đày xuống trần gian. Diễn viên, đạo diễn kiêm ông bầu Minh Béo cho biết, vở kịch được dàn dựng đan xen giữa diễn kịch và truyền tải những thông điệp, giáo dục trẻ thơ. Những nhân vật thần tiên quen thuộc với thế giới trẻ thơ trực tiếp hướng dẫn các kỹ năng sống, gieo vào lòng trẻ tình yêu thương và giáo dục cho trẻ hiểu sâu hơn, cách phân biệt những hành động tốt và xấu, và ý nghĩa của tình yêu gia đình.

Rạp xiếc phục vụ thường niên cho khán giả nhí ở Công viên Gia Định, đường Hoàng Minh Giám, Gò Vấp cũng tạo món ăn mới cho các khán giả trẻ bằng việc ra mắt kịch xiếc rối về câu chuyện của chú bé người gỗ Buratino. Đây là thể loại kịch được dàn dựng kết hợp với nhiều thể loại nghệ thuật vừa có ca múa nhạc, xiếc rối và ảo thuật để tạo sự sinh động, vui nhộn và náo nhiệt phục vụ khán giả nhí.

Riêng sân khấu Sen Việt (Rạp Công Nhân) được thành lập chưa lâu cũng nhanh chóng nhập cuộc với vở kịch Chuyện tình hoa sim. Đạo diễn Nguyên Đạt bật mí, cả ê kíp đang chạy đua để hoàn thành việc tập luyện và ra mắt đúng vào ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6. Chuyện tình hoa sim mang màu sắc dân gian, thần thoại. Kể về một câu chuyện tình yêu đầy nhân văn, vì là dựng kịch hè nên đạo diễn bật mí anh sẽ cân đối để cả khán giả người lớn lẫn các bé thiếu nhi đều xem phù hợp. 

MỚI - NÓNG