Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu sân bay tiến gần Đài Loan, nhưng hoạt động lần này diễn ra trong bối cảnh Đài Bắc và Bắc Kinh đang căng thẳng.
Nhóm tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan một ngày sau khi một tàu chiến Mỹ qua đây. Quân đội Trung Quốc nói nhóm tàu của họ bám theo tàu Mỹ.
Hải quân Trung Quốc nói rằng tàu Sơn Đông và các tàu hộ tống đã đi “suôn sẻ” qua eo biển hẹp và nhạy cảm hôm 20/12 để tiến vào Biển Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách vô lý trên hầu khắp khu vực.
Trung Quốc nói rằng hoạt động diễn tập này là một phần của “những sắp xếp bình thường theo kế hoạch thường niên”. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động tương tự dựa trên nhu cầu huấn luyện”, Hải quân Trung Quốc nói.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan nói rằng tàu Sơn Đông được 4 tàu chiến hộ tống và đã rời cảng Đại Liên từ thứ 5 tuần trước. Đài Loan cho biết họ đã điều 6 tàu chiến và 8 máy bay của không quân “canh gác” và giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc.
Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, được đưa vào biên chế gần 1 năm trước. Từ lúc đó, con tàu này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ như phục vụ đội máy bay cất và hạ cánh và sử dụng vũ khí, Hải quân Trung Quốc khẳng định.
“Năng lực chiến đấu của hệ thống được cải thiện liên tục qua hoạt động huấn luyện”, Hải quân Trung Quốc nói thêm.
Trung Quốc đang nỗ lực trau dồi kỹ năng sử dụng tàu sân bay, nhưng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm như Mỹ. Mỹ đã triển khai rất nhiều hoạt động phối hợp của các nhóm tàu sân bay trong mấy thập kỷ qua.
Việt Nam nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.