Nhóm sinh viên tìm cách trị bệnh cho lúa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhóm sinh viên Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo hạt nano bạc chitosan và thử nghiệm hoạt tính in-vitro với vi khuẩn gây bệnh bạc lá trên cây lúa”.

Nhóm gồm ba sinh viên ngành Công nghệ nông nghiệp là Nguyễn Thị Phương Huê, Lê Trọng Đức (cùng học năm thứ hai) và Lê Thị Vân (học năm nhất). Quá trình tìm hiểu về các bệnh sâu hại trên cây lúa và phương pháp ứng phó thân thiện với môi trường, các thành viên của nhóm đặc biệt quan tâm tới bệnh bạc lá lúa - mối lo ngại hàng đầu của nông dân.

Đây là loạt bệnh phổ biến trên cây lúa, có sức tàn phá lớn, có thể làm giảm tới 50% năng suất lúa. Để trị bệnh bạc lá lúa lại chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu ứng phó bằng cách chọn canh tác các giống lúa có khả năng kháng bệnh.

Phương Huê cho biết: “Khi biết được bệnh bạc lá gây tổn thất rất lớn với cây lúa - loại cây lương thực quan trọng nhất của người Việt Nam mà hiện chưa có thuốc đặc trị. Chúng em quyết định tiến hành nghiên cứu tìm ra loại vật liệu an toàn với sức khỏe bà con và môi trường, đồng thời có thể quản lý các bệnh hại trên lúa”.

Nhóm sinh viên tìm cách trị bệnh cho lúa ảnh 1

Nhóm mong muốn tìm phương pháp trị bệnh bạc lá lúa bằng phương pháp thân thiện với môi trường.

Sau khi tìm hiểu, phát hiện hạt nano bạc và chitosan (một loại polyme tương thích sinh học được điều chế từ vỏ tôm) có khả năng kháng khuẩn, kích thích sinh trưởng, nhóm tiến hành kết hợp hai vật liệu này để tạo nên hạt nano bạc chitosan với tiềm năng ức chế được vi khuẩn gây bệnh bạc lá lúa và giúp cây phát triển khỏe mạnh.

Tháng 7/2020 nhóm bắt đầu làm thực nghiệm. Đến tháng 4/2021 nhóm bắt đầu viết báo cáo kết quả nghiên cứu và tham gia các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học.

“Nano bạc chitosan mà nhóm tổng hợp được đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm có khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh bạc lá trên lúa. Đây là tiền đề để thử nghiệm vật liệu này trên đồng ruộng để quản lý bệnh trên cây lúa. Do nano bạc và chitosan đều là vật liệu thân thiện với môi trường, nên sẽ ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường hơn là các thuốc bảo vệ thực vật hóa học", Phương Huê chia sẻ.

Chạy đua COVID-19

Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ cũng như quá trình nghiên cứu của nhóm. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhóm đã chuyển làm việc trực tiếp thành trực tuyến. Ngay khi hết giãn cách xã hội, các thành viên trong nhóm đã tận dụng tối đa thời gian trống giữa các giờ học ở giảng đường để thay phiên nhau đến phòng thí nghiệm.

Nhóm sinh viên tìm cách trị bệnh cho lúa ảnh 2

Các thành viên đã vượt qua nhiều thách thức trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm

Trong quá trình thử nghiệm, nhóm cũng đã vượt qua nhiều bỡ ngỡ để đáp ứng yêu cầu chính xác cao khi thử nghiệm trên vi sinh vật. Phương Huê kể, khi đổ đĩa môi trường, đòi hỏi thao tác nhanh gọn, chính xác để thạch không bị đông. Bởi, nếu chỉ rung tay một chút sẽ khiến môi trường đông lại không đổ được. May măn nhóm đã tìm ra giải pháp khắc phục là cho vào lò vi sóng làm nóng lên.

Hay khi thử nghiệm nano bạc, phải đong nhiều dung dịch khác nhau với thể tích nhỏ. Chưa quen cữ tay lại phải chú ý đến nhiều số liệu, dẫn đến sai lệch kết quả giữa các ống nghiệm.

Nhóm sinh viên tìm cách trị bệnh cho lúa ảnh 3

Với đề tài "Nghiên cứu chế tạo hạt nano bạc chitosan và thử nghiệm hoạt tính in-vitro với vi khuẩn gây bệnh bạc lá trên cây lúa", nhóm đã đạt nhì cấp ĐHQG Hà Nội.

Nhóm sinh viên ĐH Công nghệ được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Lê Thị Hiên – Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ nano sinh học (Khoa Công nghệ nông nghiệp) và Tiến sĩ Hoàng Thị Giang – Phó giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật về mặt kiến thức cũng như kỹ năng thực hành; sự hỗ trợ của phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp).

Các giải thưởng nhóm đã đạt được: Giải nhất cấp khoa Công Nghệ Nông Nghiệp, giải nhất cấp trường Đại học Công Nghệ, giải nhì cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài là thử nghiệm hạt nano bạc chitosan để quản lý bệnh ở cây lúa (thử nghiệm trên đồng ruộng). Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ thử nghiệm các ứng dụng của hạt nano bạc chitosan này trong lĩnh vực bảo quản nông sản và nảy mầm hạt”, đại diện nhóm chia sẻ.

MỚI - NÓNG