Câu chuyện của những 'gã điên' này đã bắt đầu hơn 1 năm nay và lan truyền được hiệu ứng bảo vệ môi trường cho rất nhiều người.
Cuối tuần, nhóm bạn trẻ đến từ Tây Ninh, Đồng Nai và TP HCM lại tập hợp nhau để cùng leo núi Bà Đen (Tây Ninh). Mỗi lần họ xuống núi, trên lưng vác những bao tải to gấp ba người, trong đấy chứa toàn... rác thải.
'Bọn khùng' đi làm mật yêu đời
Nhóm phượt thủ này do Chiến Nguyễn thành lập từ đầu năm 2017 với mục tiêu sẽ dọn sạch lon chai trên núi Bà Đen. Chiến Nguyễn, 28 tuổi, đến từ Biên Hòa, Đồng Nai cho biết núi Bà Đen là một điểm du lịch thường xuyên trong mỗi chuyến đi phượt của cả nhóm nhưng trên núi lúc nào cũng đầy những rác thải và lon chai của du khách.
Những ngày đầu leo núi nhặt rác, nhóm bạn trẻ thường xuyên trở xuống với những bao tải khổng lồ toàn lon chai trên lưng Chiến nói, nhóm của Chiến hiện có khoảng 20 bạn, đã đi làm hoặc còn học nhưng cuối tuần đều sắp xếp công việc để lên núi dọn rác. Đã từng bị gọi là 'thằng khùng' vì đi nhặt rác không lương nhưng Chiến luôn vui vẻ cho rằng 'thì mình khùng thật mà, chứ có ai lên núi rồi vác xuống một bao rác khủng rồi cho người ta đâu'.
Những bao tải ve chai khổng lồ này sau khi được đưa xuống nói, các thành viên của nhóm sẽ phân loại và gửi tặng cho những người già dưới núi. Niềm vui của những bạn trẻ khi làm một công việc không lương Đường lên núi Bà Đen thì có nhiều, có thể đi bằng đường cột hay đường chùa. Chiến giải thích đường cột là đường dẫn lên trạm thông tin truyền hình trên đỉnh núi, có hơn 100 cột điện, đa số phượt thủ leo núi bằng đường này để không bị lạc. Nhưng Chiến chọn xuống núi theo đường chùa - đường mòn đi ngang chùa Bà Đen, đây là tuyến đường mà nhiều du khách chọn đi. Ngoài việc vác những bao lon chai xuống thì đây cũng là cách để tuyên truyền cho du khách. Chiến kể 'du khách thấy mình vác bao chai lon to trên lưng thì ai cũng hỏi, việc gây chú ý này cũng là cách để giúp du khách có ý thức hơn khi leo núi'.
Khi nhớ về lần đầu leo núi nhặt rác, Chiến vẫn hồi hộp kể lại 'lần đó mọi người chọn đi đường chùa để xuống núi, có 3 con dốc khá nguy hiểm, nhỡ đá rơi thì chắc cả nhóm ôm đá lăn xuống...'. Cũng chính vì điều này mà nhóm của Chiến chỉ làm công việc này vào những tháng mùa khô để tránh trơn trượt, cũng là để đảm bảo an toàn cho các thành viên.
Đường xuống núi những dốc và càng khó đi hơn nữa khi phải vác trên lưng một bao tải đựng lon chai.
Bao tải to đến mức không còn thấy người vác
Ngoài Chiến thì Thành Quý cũng là một thành viên tích cực của nhóm, thay phiên nhau dẫn đoàn leo núi nhặt rác.
Nhóm thường xuất phát vào chiều thứ bảy để lên tới đỉnh núi, cắm trại dã ngoại qua đêm và bắt đầu công việc nhặt rác vào sáng chủ nhật. Thành Quý chia sẻ: 'Có lần các anh em khác bận quá thì mình đi một mình, là người Tây Ninh nên núi Bà Đen có nhiều kỷ niệm với bản thân mình nên điều gì tốt cho nơi này mình sẽ làm hết sức'.
Chai lon sau khi được thu dọn và vác xuống núi thì sẽ tặng lại cho những người già nhặt rác dưới núi. 'Các cụ hay bảo bọn khùng đi làm mật yêu đời' Chiến hài hước nhớ lại. Tuy nói vậy nhưng lâu không thấy 'bọn khùng' vác bao xuống núi thì các cụ lại nhắc.
Thành Quý cảm thấy hạnh phúc vì là người truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho bạn bè của mình. Cứ mỗi lần nhặt rác trên núi thì Chiến và các thành viên của nhóm tình nguyện lại cảm thấy vui hơn khi góp phần làm sạch một điểm du lịch nổi tiếng. Sau khi câu chuyện đẹp của nhóm bạn trẻ được chia sẻ trên mạng xã hội đã được nhiều người chia sẻ và khen ngợi. Cũng từ đây, thông điệp bảo vệ môi trường được lan truyền rộng rãi hơn.
Theo Theo Tiin