Nỗi buồn khó nói
Thủ tục hành chính rườm rà, môi trường làm việc thiếu sự tôn trọng, không được tự do làm nghiên cứu... là những chuyện thường gặp của nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trở về Việt Nam làm việc sau một thời gian dài đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Tốt nghiệp một trường đại học (ĐH) nằm trong top 10 các trường ĐH của Pháp, TS N.T (29 tuổi) là một trong số ít người trong khóa học quyết định trở về Việt Nam làm việc.
Về nước và đầu quân tại một đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, N.T không khỏi háo hức khi đưa ra những ý tưởng tại các cuộc họp chuyên môn. Nhưng rồi sự háo hức và tâm huyết muốn cống hiến sức trẻ cho đất nước của TS cũng bị “nguội” dần vì những ánh mắt không mấy thiện cảm của đồng nghiệp.
Kết quả sát hạch vừa được Sở Nội vụ Hà Nội công bố, kỳ tuyển dụng công chức 2014 có 41 người thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển, nhưng vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch (hình thức sát hạch: bằng bài viết và phỏng vấn trực tiếp).
Họ là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
TS N.T tâm sự: “Trước khi về nước, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để thích nghi với môi trường làm việc và cũng được “cảnh báo” trước về thực tế gặp phải.
Tuy nhiên, khi các ý tưởng liên tục không được khuyến khích thì sự hứng thú trong công việc cũng giảm dần. Tôi tự thu mình lại và bắt đầu nghĩ đến vấn đề chuyển việc”.
Theo TS N.T, để được vào làm việc tại Bộ Xây dựng, anh đã phải trải qua một kỳ thi sát hạch khá gắt gao để vượt qua những ứng viên “cỡ bự”. Sau đó là hàng loạt các thủ tục hành chính khá rườm rà.
“Nhưng vấn đề khiến tôi ái ngại nhất là con người và môi trường làm việc. Dường như mục tiêu của nhiều người là mong có “được cái ghế” cho mình, còn các ý tưởng để phát triển công việc và mang tính cạnh tranh rất ít. Bản thân tự nhận thấy môi trường làm việc có rất ít sự cạnh tranh nên tôi đã dứt khoát viết đơn xin nghỉ việc”, TS N.T cho biết.
Trao đổi với phóng viên, một số tiến sĩ ở các trường đại học như: ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng cho biết, thời lượng nghiên cứu khoa học tại các nhà trường chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Để có thêm thu nhập, các TS đang trở thành những “thợ dạy” chuyên nghiệp.
Cơ chế tuyển dụng cứng nhắc
Mới đây, thông tin thầy giáo Đặng Minh Tuấn, giáo viên dạy hợp đồng trường THPT Amsterdam Hà Nội, bị trượt trong kỳ thi công chức đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.
Bởi lẽ, thầy Đặng Minh Tuấn vốn là một thạc sĩ tại ĐH Lyon 1; trước đó, anh cũng đã được nhận học bổng Odon Vallet, ĐH Paris 11. Về nước, thạc sĩ trẻ Đặng Minh Tuấn đã từ chối làm việc ở một số cơ quan nghiên cứu để chọn nghề làm giáo viên dạy vật lý tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.
Thế nhưng, thạc sĩ Tuấn lại bị trượt trong kỳ thi công chức của thành phố. Nhận định của lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam thì đây là điều đáng tiếc.
Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, sau khi biết tin thầy Đặng Minh Tuấn thi trượt viên chức, một bệnh viện quân đội trên địa bàn thành phố đã liên hệ và sẵn sàng tuyển dụng, bởi chuyên ngành đào tạo của thạc sĩ Tuấn phù hợp với chuyên khoa Ung bướu của bệnh viện. Tuy nhiên, thầy Tuấn đã từ chối lời đề nghị trên và quyết định tiếp tục gắn bó với các học trò trường Hà Nội - Amsterdam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều “người trong cuộc” đang rất bức xúc về môi trường làm việc, về thái độ xem nhẹ trí thức trẻ, cũng như cơ chế đãi ngộ chưa thỏa đáng... Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trẻ đã từ chối không trả lời phỏng vấn hoặc không đồng ý đưa tên, vị trí làm việc hiện tại lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều đáng nói là đa phần các trí thức trẻ này đều có chung một suy nghĩ, nếu môi trường làm vệc không được cải thiện, ý tưởng khoa học liên tiếp bị “bỏ qua”... thì họ sẽ phải tính đến chuyện “nhảy việc” ra làm tư hoặc “đầu quân” cho các tổ chức phi Chính phủ.
Theo Lê Vân