Nhọc nhằn nghề “phơi xác” mì

Vợ chồng ông Bén, bà Lệ ráng làm thêm vài năm để về quê sửa nhà.
Vợ chồng ông Bén, bà Lệ ráng làm thêm vài năm để về quê sửa nhà.
Trong những căn chòi tạm ở những bãi phơi xác mì tại khu vực ấp 6, xã Suối Ngô, Tân Châu có những hộ gia đình đang sống cảnh đời tha phương cầu thực.

Họ là những người từ các tỉnh miền Tây Nam bộ cách xa Tây Ninh hàng trăm cây số đã lặn lội tìm lên lên vùng đất nắng nung người để tìm sinh kế. Công việc của họ là phơi xác mì cho các nhà máy chế biến tinh bột mì, mà theo cách gọi tắt- nửa đùa nửa thật của dân trong nghề là… “phơi xác”. 


Một ngày cuối tháng 5, khoảng hơn 10 giờ trưa, cái nắng bắt đầu gay gắt cũng là lúc mồ hôi những người “phơi xác” tuôn thành dòng. Giờ này họ phải ra sân phơi để cày trở, giã cho xác mì mau khô hơn.

Từ ngoài sân phơi bước vào trong căn chòi tạm mái lợp tôn, vách bằng bạt để nghỉ mệt, bà Nguyễn Thị Lệ đưa tay chặm những giọt mồ hôi đang rơi. Từ quê Chợ Mới, tỉnh An Giang bà cùng chồng là ông Phạm Văn Bén đã nhiều năm lưu lạc lên TP. Hồ Chí Minh kiếm sống, sau đó theo lời khuyên của người em, hai ông bà tìm lên Tây Ninh, vào tận đất Suối Ngô để làm nghề “phơi xác”, tính ra đã được hai năm.

Nay đã ở vào cái tuổi 60, bà cảm thấy sức khoẻ không còn tốt và công việc dạo gần đây không còn thuận lợi như trước nữa. Bà Lệ cho biết, khoảng 2 tuần trước ông Bén bị tai biến nhẹ, không còn thường xuyên cùng bà phơi xác nữa, công việc chủ yếu do một mình bà tự làm. Với 11 rò phơi xác mì gia công, lúc cao điểm hai vợ chồng bà Lệ có thể kiếm thu nhập từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng, nhưng những tháng mưa thì coi như chỉ đủ ăn.

Dù sao thì làm cái việc phơi xác mì gia công với giá từ 210.000 - 240.000 đồng/tấn tuỳ theo loại, vợ chồng bà Lệ cũng đã có cuộc sống tốt hơn so với hồi còn ở dưới quê. Ông Bén cho biết: hồi còn ở quê, hai ông bà không có đất đai canh tác nên cuộc sống rất nghèo khó, còn ở “trên này” thì: “Tuy có cực hơn nhưng bù lại cũng có tiền để vợ chồng già nuôi nhau.

Tuổi này về quê, tụi tui cũng không biết làm gì để kiếm tiền sinh sống”- ông Bén chắc lưỡi nói. Theo bà Lệ, công việc phơi xác mì tuy phải dang nắng dang nôi nhưng cũng không nặng nề lắm, bởi muốn làm lúc nào thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, không bị bó buộc.

Cũng vì cuộc sống khó khăn nên gia đình ông Nguyễn Văn Hùng từ quê Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cũng trôi giạt lên tới Suối Ngô để làm nghề “phơi xác” đã 7 năm nay. Theo lời ông Hùng, hồi ở quê ông cũng có vài chục công ruộng chuyên làm lúa và ông còn làm thêm nghề chăn nuôi gà vịt.

Nhưng do bị lỗ lã, ông chuyển sang nghề khác rồi bán hết đất đai để trả nợ, sau đó khăn gói lên Tây Ninh đến với cái nghề “phơi xác”. Cả gia đình ông Hùng cùng tá túc trong căn chòi tạm được chủ bãi cất cho để theo nghề mà sinh sống.

Với công sức ba người mỗi tháng cao điểm, cha con ông Hùng có thể phơi từ 60 đến 70 tấn xác mì với giá 280.000 đồng/tấn. Thu nhập như thế là khá hơn nhiều so với lúc còn ở quê. Nhưng cũng như nhiều người khác, thu nhập ấy không thật ổn định, có tháng gia đình ông Hùng kiếm được rất ít, đó là vào tháng mưa hay tháng ít củ mì.

Mỗi năm, người “phơi xác” phải nghỉ khoảng 3 tháng vì không có xác mì để phơi (thường từ tháng 2- thời điểm nắng gắt, mì ít hoặc không có). Thời gian đó, ông Hùng cùng các con lại đi làm thuê: trồng mì, giẫy cỏ để kiếm sống. Mặc dù vậy, theo lời ông Hùng khẳng định, cuộc sống của gia đình ông trên vùng quê mới vẫn còn khoẻ hơn rất nhiều so với ở quê cũ. “Công việc tuy có chút cực nhọc nhưng mình đã chấp nhận đi xa để tìm cái ăn thì có vất vả mấy cũng ráng chịu thôi”- người đàn ông gần sáu mươi tuổi ấy chia sẻ.

Trời gần đứng bóng, trong căn chòi nhỏ của chị Trần Thị Út đang vang lên những âm thanh rộn rã. Các con của chị đang xúm xít nhau xem ti vi. Sau lúc đi cày trở xác mì, chị Út vào trong chòi người nhễ nhại mồ hôi. Người phụ nữ 33 tuổi này từ vùng đất U Minh, tỉnh Cà Mau cùng chồng, con đến đất này kiếm miếng ăn đã được 3 năm.

Mỗi ngày phải bận rộn cho công việc “phơi xác”, có khi làm luôn buổi tối cho đỡ mất sức nhưng với sức trẻ, vợ chồng chị không quản ngại, nề hà cực nhọc, chỉ mong mỏi cuộc sống ngày một cải thiện hơn. Thu nhập lúc cao điểm có khi lên đến hơn 10 triệu đồng/ tháng là số tiền mà hồi ở dưới quê vợ chồng chị Út khó có thể kiếm được.

Vì vậy, vợ chồng chị làm việc gần như không nghỉ, kể cả ngày tết: “Tết mình không về quê vì lúc đó có nhiều xác để phơi, tranh thủ kiếm tiền”- chị cười hồn hậu nói. Cả hai vợ chồng chị không ai bảo ai đang cùng cố gắng để lo cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, có đứa giờ đã nghỉ học để ra bãi phụ cha mẹ “phơi xác”.

Nhiều năm qua, những con người tha hương ấy dù bận bịu với sinh kế vẫn không khỏi có lúc khắc khoải nhớ nhà, nhớ anh em họ hàng ở quê. Nhớ thì nhớ nhưng cách trở xa xôi quá nên có người mỗi năm về đôi ba lần và cũng có người suốt mấy năm qua chưa về một lần nào. Bà Lệ chân tình bộc bạch: “Có nhiều lúc làm lụng một mình, nước mắt chảy dài nhưng cũng đành gạt đi. Nhớ cháu, nhớ con ở dưới quê lắm! Cũng may có cái điện thoại để thỉnh thoảng gọi hỏi thăm, nếu không thì không biết làm sao đây”.

Hai đứa con gái lớn của chị Út hiện đã nghỉ học để ra bãi phụ cha mẹ. Hiện chỉ còn một đứa nhỏ là còn đến trường nhưng tương lai của em cũng chưa biết thế nào, có khi lại cũng giống như các chị mình. Những đứa trẻ con nhà “phơi xác” thường có ánh mắt buồn buồn, bởi cuộc sống của các em chừng quá đìu hiu, ít cơ hội giao du với bên ngoài.

Buồn vì cuộc sống tha phương, nhưng bà Lệ luôn mong muốn kiếm thêm được ít tiền để về quê sửa lại căn nhà nhỏ an ủi tuổi già. Còn chị Út cũng bùi ngùi tâm sự: “Mình muốn cuộc sống khá hơn mới đành bỏ quê ra đi. Nhiều khi cũng thấy buồn và nhớ lắm.

Nếu dành dụm được nhiều tiền sẽ về quê. Nói thế nhưng biết đâu cũng sẽ ở lại luôn nơi này không chừng”. Với ông Hùng thì: “Giờ mình còn sức thì phải ráng làm để dành dụm tiền, còn dự tính sau này… chưa nghĩ đến được”.

Theo ông Trần Minh Châu- công an viên phụ trách ấp 6, trên địa bàn ấp có 4 bãi phơi xác mì với khoảng 100 hộ đang làm nghề “phơi xác”, trong đó đa phần là người ngoài tỉnh. Khoảng 4 năm trở lại đây lượng người ngoài tỉnh đến kiếm sống bằng nghề này đã tăng lên so với trước.

Cũng theo ông Châu, đa số các hộ này đều chăm chỉ làm ăn, nhiều người cũng tạo được cuộc sống ổn định, có hộ thu nhập khá. Tại các bãi phơi có người ngoài tỉnh lưu trú, công an ấp phối hợp với chủ bãi nắm tình hình để quản lý về mặt an ninh trật tự. Đến nay, tình hình tại các bãi này vẫn ổn định.


Theo Theo Báo Tây Ninh
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.