Nhớ một người anh

Nhớ một người anh
TP - Tôi đã bị kỷ luật chỉ sau 2 ngày làm lính. Chỉ vì nhìn thấy một người quen là anh bộ đội đi nhờ thuyền cùng gia đình tôi ở bến Bình Ca, vào cái đêm thu trăng sáng trên Sông Lô, tôi gọi như hét lên: “Anh Hữu Mai”.
Nhà văn Hữu Mai (thứ 2 từ trái sang) tại chiến khu Việt Bắc. Ngồi ngoài cùng bên phải là nhà văn Nguyễn Đình Thi
Nhà văn Hữu Mai (thứ 2 từ trái sang) tại chiến khu Việt Bắc. Ngồi ngoài cùng bên phải là nhà văn Nguyễn Đình Thi.

1. Cái đêm sáng trăng trên sông Lô năm ấy, tôi rất hồn nhiên kể với anh về những mơ ước văn chương của mình, rồi nói: “Em đọc Nam Cao, thấy ông ấy viết… Khi người ta mười bảy tuổi thì ai cũng mơ ước. Nhưng hỡi ôi! Những mơ ước ấy chẳng thành sự thật bao giờ... Cho nên, em mơ ước thì cứ mơ ước thôi, nhiều lúc nghĩ lại rất nản lòng”.

Nghe tôi nói, anh im lặng nhìn sông trăng. Con đò dọc chở chúng tôi vẫn lặng lẽ trôi xuôi về phía Đoan Hùng. Tiếng mái chèo khua nước. Đêm thu khuya vắng và sông Lô trăng càng vắng, trước sau không thấy bóng một con đò nào khác.

Trời se lạnh. Tôi lại nhìn anh, nhìn trăng trên đầu và trăng dưới sông, khẽ thở dài. Chỉ đến lúc ấy, anh mới trả lời: “Ông Nam Cao là một nhà văn rất sâu sắc, nhưng điều ông ấy viết mà em vừa nói chỉ đúng một nửa. Quả là có những mơ ước không thành sự thật nhưng có không ít sự thật đã bắt đầu từ một ước mơ”.

Năm ấy, cuộc Trường kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang bước vào một giai đoạn mới. Tháng Tư, bộ đội ta mở chiến dịch Sông Thao ở Tây Bắc. Cũng năm ấy, tôi đang học năm cuối ở trường Trung học Kháng chiến Tân Trào, Tuyên Quang.

Ngày 27 tháng Tư, để dọn đường cho cuộc hành binh từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, nhằm mục đích cứu nguy cho Mặt trận Tây Bắc đang bị quân ta đánh cho thua to, quân Pháp đã cho 4 máy bay Spitfires hùng hổ ném bom xuống Trường Tân Trào ở Đền Cấm, giết chết và làm bị thương nhiều học sinh đang ngồi trong lớp, gây chấn động lòng người dân Việt Bắc.

Bố mẹ và các chị em tôi đang tản cư ở Phú Thọ nghe tin, chẳng biết tôi sống chết thế nào, cứ thế thẳng theo quốc lộ số 2 lên Tuyên Quang tìm tôi. Thế là dân tản cư đi trước, quân Pháp bám theo sau.

Hơn một tháng sau đó, quân Pháp không giở được trò gì, thua vẫn hoàn thua, lại chịu thêm nhiều thiệt hại, đành tiu nghỉu rút quân.

Cái đêm sáng trăng trên sông Lô năm ấy, gia đình tôi thuê một chuyến đò dọc từ Tuyên Quang về Phú Thọ, nơi tản cư từ những ngày đầu Kháng chiến chống Pháp, bởi vì ở đấy gia đình tôi đã quen cảnh quen người.

Tôi ngồi ngoài khoang thuyền cùng người bơi mũi, ngửa mặt lên trời ngắm trăng và sông trăng huyền ảo. Con thuyền của chúng tôi đang ở giữa dòng, bỗng người lái rẽ nước cho thuyền vào gần bờ, rồi nói như là bâng quơ nhưng chính là nói với tôi: “Đến bến Bình Ca rồi”.

Đêm kháng chiến, trên bờ sông và dưới lòng sông, người kháng chiến vẫn đang tấp nập, háo hức chảy vào ngày mai đánh giặc, hết sức vui vẻ và bình tĩnh.

Đúng lúc ấy, có tiếng người gọi đò xin quá giang về Đoan Hùng. Bố tôi nằm ở trong khoang nói ra: “Nếu là bộ đội thì cho đi nhờ”. Đó chính là anh. Tôi nhìn rõ, anh đeo chéo trên người một chiếc chăn trấn thủ, ngang lưng là một bao gạo tròn trĩnh và một khẩu súng, ngày ấy gọi là súng lục, trễ ngang hông.

Anh mới từ Chiến dịch Sông Thao về, đi công tác qua đây. Đơn vị anh vừa đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy, tiêu diệt một đoàn xe giặc hơn một trăm chiếc và vừa giết chết, vừa bắt sống trên 500 lính lê dương Âu Phi.

Nghe anh kể chuyện, tôi cứ mê tít, quấn quýt lấy anh. Cứ thế, chúng tôi thành thân thiết. Đó là điều rất khác với bây giờ. Người ta dễ tin nhau và đã tin thì thương nhau vô cùng. Tảng sáng, thuyền đến Đoan Hùng. Anh tạm biệt tôi: “Anh em mình gặp nhau là cái duyên, đã là duyên thì thế nào cũng có ngày gặp lại”.

Cán bộ, phóng viên báo Quân Tiên Phong trong kháng chiến chống Pháp. Hàng trên, từ trái qua phải: nhà văn Hữu Mai, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà văn Hồ Phương
Cán bộ, phóng viên báo Quân Tiên Phong trong kháng chiến chống Pháp. Hàng trên, từ trái qua phải: nhà văn Hữu Mai, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà văn Hồ Phương.

Cuối năm 1949, Cụ Hồ ra lệnh “Chuẩn bị Tổng phản công”. Từ trường Tân Trào, tôi và các bạn học nô nức tòng quân. Đó là tháng 3 năm 1950. Chúng tôi hành quân qua bến Bình Ca vào ban đêm để đến địa điểm nhận quân. Khi lên đến đỉnh Đèo Khế thì hội ngộ với các bạn học sinh Trường Trung học Kháng chiến Hùng Vương, Phú Thọ. Tôi và ba bạn cùng lớp được phân vào Ban địch vận Đại Đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308), mới được thành lập vào cuối năm 1949.

Ngay buổi chào cờ buổi sáng, chưa đầy hai ngày tuổi quân, tôi đã bị kỷ luật phải đào hai hố vệ sinh. Chỉ vì tôi nhìn thấy một người quen là anh bộ đội đi nhờ thuyền cùng gia đình tôi ở bến Bình Ca, vào cái đêm thu trăng sáng trên Sông Lô. Tôi gọi như hét lên: “Anh Hữu Mai”.

2. Tôi rất hãnh diện được là đồng đội của anh. Càng hãnh diện hơn khi được đeo ngôi sao vàng trên mũ. Những ngày đầu tiên, theo quy định của Đại đoàn, lính thì đeo sao trơn, từ tiểu đội phó đến trung đội phó được đeo sao vàng vành trắng, còn cán bộ trung đội trưởng trở lên đeo sao có vành vàng.

Chung cho mọi lính Quân Tiên Phong, ai cũng như ai, đều được đeo một ngôi sao đỏ nhỏ xíu trên ngực. Tôi là binh bét lính địch vận, dĩ nhiên đeo sao trơn rồi. Anh là cán bộ tuyên huấn, lại phụ trách Báo Quân Tiên Phong của Đại đoàn in li-tô, viết chữ ngược trên đá, được đeo sao vành vàng thật oách! Nhưng tôi và anh vẫn rất thân nhau, hễ lúc được nghỉ là lại tìm cách gặp nhau.

Mỗi khi anh có tiền phụ cấp tháng lại cho tôi đi ra Lục Ba, Bờ Rạ uống một cốc bột đậu xanh nóng, hoặc sang hơn thì cốc kem trứng với vài cái kẹo Đầu Tây.

Chưa kịp hết sướng đời lính như thế thì lệnh trên ban xuống, thu hồi hết các loại sao trơn, sao vành trắng, vành vàng và huy hiệu Quân Tiên Phong để giữ bí mật.

Chiến dịch cuối cùng tôi đi cùng anh là Chiến dịch Đường 18 Hoàng Hoa Thám. Đến núi Yên Tử lúc gần sáng, khi vừa đào xong hố cá nhân, thì máy bay Pháp đến ném bom. Do sức ép bom nổ gần, tôi hộc cả máu mồm máu mũi, đành trở về phía sau trong một Trạm thu dung của Đại đoàn. Tôi phải xa anh, bỏ dở luôn cả cái mơ ước mà anh đã định mang đến cho tôi là trở thành phóng viên Báo Quân Tiên Phong.

Cuối chiến dịch biên giới có tên là Lê Hồng Phong II, tôi mới gặp anh ở Thất Khê, liền khoe: “Em đã được tham gia lập hồ sơ tù binh tên quan ba Alioux chỉ huy Đồn Đông Khê. Lúc đơn vị bắt hắn giải về trại tù binh chỗ chúng em, hắn cởi trần trùng trục, trên người đầy những mụn ngứa. Hắn chui trốn vào bụi lá han nên bị như thế! Rồi những ngày sau đó là hai tên quan năm Charton và Le Page. Lính địch vận chúng em còn được gặp cả tên quan năm thầy thuốc Huard khi ông ta lên sân bay Thất Khê, nhận thương binh địch do quân mình trao trả. Còn nữa, em được chứng kiến cả chuyện anh Hứa Tín, trưởng ban Địch vận Đại đoàn “bị” Huard mời vào Hà Nội thăm vợ con một ngày, khi trở lại Thất Khê thì lệnh trên bắt khẩn cấp”.

Anh bảo tôi: “Hãy ghi chép cho kỹ, sẽ có ngày dùng đến! Em đã mơ ước như thế mà”. Anh ý tứ nhắc nhở về mơ ước văn chương của tôi. Bất ngờ hơn cả, anh nói với tôi làm cho tôi vui sướng vô cùng: “Cố gắng lên, bao giờ có dịp anh sẽ xin em về chỗ anh làm Báo Quân Tiên Phong”.

Từ lâu, tôi biết anh cũng có mơ ước văn chương. Chỉ là anh không nói ra mà thôi. Chính anh là người đầu tiên khuyến khích, nâng đỡ tôi về mơ ước ấy. Tôi kính trọng và rất yêu mến anh còn vì như vậy. Tôi luôn luôn nghĩ, nhất định mơ ước của anh sau này sẽ thành sự thật. Còn tôi? Viển vông ấy mà! Có lẽ, trong trường hợp của tôi, nhà văn Nam Cao đã viết đúng, mơ ước ấy sẽ chẳng thành sự thật bao giờ.

Chúng tôi cùng nhau đi tiếp chiến dịch mới, Chiến dịch Trung du Trần Hưng Đạo. Đêm hành quân qua Tam Đảo. Sương và mây giăng đầy bay theo, uốn lượn theo đoàn quân rồng rắn khuất khúc. Lính ra trận lẫn vào sương và mây mờ mờ ảo ảo, nhưng vẫn nhìn thấy, cũng sương và mây ấy đang trôi luồn qua chúng tôi rồi lại trôi luồn qua những ngôi biệt thự Tây xây, nhấp nhô, rải rác các sườn núi đã bị phá theo chính sách tiêu thổ kháng chiến từ hai, ba năm trước.

Tôi giữ mồm giữ miệng không nói với ai, chứ nói ra có khi lại là tai họa. Sau này, anh nói với tôi: “Đêm ấy, anh cũng cảm thấy điều ấy lung linh kỳ ảo giống như em”.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG