Nhờ dân tìm kiếm hiền tài

Sinh viên trường Đại học Quốc tế Bắc Hà trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Như Ý.
Sinh viên trường Đại học Quốc tế Bắc Hà trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Như Ý.
TP - Đối với trí thức, hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng, chia sẻ bằng cả tấm lòng chân thành, thấu hiểu. Cảm phục trước tấm lòng của Người, đội ngũ trí thức được Bác trọng dụng và bổ nhiệm sẵn sàng để lại sau lưng mình cuộc sống nhung lụa, giàu sang để tận tâm, tận lực cống hiến, phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng như những con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng.

Trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016, thì  hơn lúc nào hết cần nhìn nhận lại một cách sâu sắc về việc lựa chọn và sử dụng người tài của Hồ Chí Minh để học tập, đúc kết kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế.

Nhờ dân tìm kiếm hiền tài

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh đã có cuộc hành trình lịch sử 30 năm (từ 1911- 1941) bôn ba khắp các châu lục, tiếp xúc với nhiều nền văn minh, nhiều chính khách lớn.

Trong cuộc hành trình đó, ở đâu, bất cứ nơi nào, Người cũng ngưỡng mộ trí thức, trân trọng trí thức và ứng xử với trí thức bằng tất cả tấm lòng chân thành. Người cũng ấp ủ biết bao dự định tốt lành về xây dựng đất nước và sử dụng người hiền tài. Tư tưởng đó theo suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Người.

Với tư tưởng nhân văn cao quý đó nên ngay sau khi nước nhà giành được Độc lập (2/9/1945), Người đã có thư gửi cho chính quyền các địa phương và toàn thể dân chúng,  nhắn nhủ: Chính quyền và đồng bào, nếu thấy ở đâu có người tài giỏi thì hãy mách bảo cho Chính phủ.

Chính phủ sẽ nghiên cứu, xem xét, thấu đáo lời giới thiệu của đồng bào để đưa những hiền tài ra giúp nước, không để phí phạm, không để sót lọt người tài đức. Đây là cách tìm, cách dụng người tài mà có rất ít các chính khách, chính thể làm được.

Ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ Hồ Chí Minh luôn tìm cách thu dụng được tất cả các tài năng của dân tộc. Ai có tài, có đức đều được tin cậy, được thu phục và sử dụng.

Triết lý của Hồ Chí Minh là: tài to dùng vào việc to, tài nhỏ dùng vào việc nhỏ; dụng nhân như dụng mộc; không có ai là thừa ra cả, vấn đề là có tin dùng và sử dụng đúng hay không. Thế nên mới có chuyện Bác ân cần mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra giúp dân, giúp nước.

Lúc đầu cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ra Hà Nội với Bác cũng chưa phải tin ngay, mà chỉ là để thăm dò, tìm hiểu tình  hình… Thế nhưng sau khi gặp và trò chuyện, cụ Huỳnh Thúc Kháng hoàn toàn được Bác đã thuyết phục. Bác đã nói với cụ bằng cả tấm lòng quý trọng và tin cậy để rồi cuối cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận lời và được giao chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cụ Huỳnh sau đó còn được Bác tin cậy giao cho làm quyền Chủ tịch nước trong suốt thời gian Bác ở Pháp, đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn nền hoà bình. Người rất chú trọng công tác giáo dục. Sau khi lập nước còn được thể hiện ở chỗ, ngay sau đất nước vừa mới thành lập, còn ngổn ngang, bộn bề biết bao công việc quan trọng, nhưng Người vẫn dành thời gian đến dự một giờ học tại trường nữ học Trưng Vương ở Hà Nội (nay là trường trung học  cơ sở Trưng Vương).

Tại đây Bác đã dự một giờ học tiếng Anh. Trong giờ học đó Bác đã chỉ một cháu gái phát âm cho Bác nghe. Bác đã trực tiếp chữa phát âm cho cháu. Sau này cháu bé đó đã trở thành Giáo sư toán học nổi tiếng - đó chính là Giáo sư Hoàng Xuân Sính. Giáo sư Hoàng Xuân Sính nói rằng suốt đời bà không bao giờ quên được giây phút đó.

Nhờ dân tìm kiếm hiền tài ảnh 1

GS. TS Hoàng Chí Bảo.

Chân thành với hiền tài

Không chỉ tìm và sử dụng hiền tài trong nước, Bác còn mời gọi các trí thức Việt kiều về nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp kháng chiến. Những lời mời gọi đó luôn được Bác nói ra từ trái tim chân thành.

Với trí thức, vật chất, tiền bạc cũng rất quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn mà họ cần là được tôn trọng, tin cậy, tin dùng. Hồ Chí Minh đã làm được điều đó. Bác rất hiểu trí thức, hiểu được đặc điểm lao động sáng tạo của họ, hiểu được cả những giá trị mà họ lựa chọn và theo đuổi.

Trong chuyến thăm nước Pháp (1946), Bác đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng đi tìm ông Phạm Quang Lễ mà sau này chính là kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Khi đó kỹ sư Phạm Quang Lễ đã nổi tiếng lắm rồi. Ông là chuyên gia sản xuất vũ khí cho Pháp và Đức, lương tháng mấy chục lượng vàng.

Tại cuộc gặp với kỹ sư Phạm Quang Lễ, với phong cách lịch lãm, chân thành, thẳng thắn, Bác đã thuyết phục ông về nước. Bác cũng nói thẳng rằng: nước nhà mới độc lập nên còn nghèo lắm, không có lương đâu chú ạ. Thế mà ông Lễ vẫn về.

Ông đã bỏ lại cả một cuộc sống nhung lụa, giàu sang để về với Việt Bắc, chấp nhận một cuộc sống vật chất kham khổ hơn nhưng được cống hiến tài năng phục vụ tổ quốc và nhân dân.

Buổi đầu tiên làm việc Bác đã đặt tên mới cho kỹ sư Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa. Đây là việc làm hết sức tinh tế, thể hiện sự tôn vinh trí thức. Bác còn phong hàm Thiếu tướng cho ông Trần Đại Nghĩa, rồi bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Quân giới để phụ trách việc nghiên cứu và chế tạo vũ khí góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh trưởng trong gia đình dòng dõi quý tộc, người thầy thuốc nổi tiếng theo lời Bác đi kháng chiến. Ở Bác luôn có sự tin cậy trí thức. Bác sử dụng trí thức đúng với tài năng của họ. Người quan niệm rằng, nhân tài ở trong dân, trong xã hội không thiếu nếu biết dùng thì nhân tài sẽ nảy nở. Bác rất chú trọng đến phát huy tối đa tài sáng tạo của tri thức thông qua phát huy tự do dân chủ. Người từng nói, trong một môi trường dân chủ, trong một chế độ dân chủ, ai ai cũng có quyền tự do đó. Tư tưởng hóa hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.

Bác luôn đặt việc lớn lên trên. Bác nói “dĩ công vi thượng” có nghĩa là việc công, việc nước, việc dân là quan trọng nhất. Dùng người phải biết tính người, phát huy cái hay, hạn chế cái dở để làm sao cái hay nảy nở như hoa mùa xuân; cái xấu mất dần đi.

“Nhân vô thập toàn”, trí thức cũng vậy thôi, có như thế mới thu hút được mọi người. Đấy chính là những bí quyết thành công trong xây dựng chế độ trong công cuộc kháng chiến mà Hồ Chí Minh là người thiết kế, là người thuyền trưởng.

Tạo môi trường để hiền tài cống hiến

Đất nước chúng ta ngày nay đang đẩy mạnh hội nhập. Hơn lúc nào hết chúng ta phải đón xu hướng phát triển kinh tế trí thức. Muốn đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững phải coi giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Phải biết quý trọng nhân tài, trí thức, bởi “Phi trí bất hưng” như nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói ở thế kỷ XVIII.

Học Bác phải học từ tư tưởng đến đạo đức, nhất là học cách dùng người của Bác. Phải chú trọng tạo ra động lực phát triển cho trí thức, không chỉ đơn thuần là lợi ích vật chất. Cái mà người trí thức, hiền tài cần là một môi trường làm việc, cần không khí dân chủ, công bằng, bình đẳng, tự do để họ thể hiện năng lực hết mình. 

Phải lựa chọn những người công tâm, hết lòng vì dân, vì nước. Phải tạo ra môi trường dân chủ để phát hiện, lựa chọn đúng người tài đức, tạo điều kiện cho họ phát huy tài đức phục vụ tổ quốc và nhân dân.

Học Bác là phải chọn những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, có phẩm chất tận tụy, trung thực, khiêm nhường giao cho họ trọng trách lãnh đạo, quản lý. Nếu chúng ta chọn người không đúng, để chui vào bộ máy những kẻ cơ hội là rất có hại cho dân, cho nước.

Một điều quan trọng nữa phải ghi lời Bác dạy: có tài thì phải có đức. Có đức mà không có tài thì vô dụng, làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì nguy hiểm vì có thể làm điều xấu, điều ác, gây hại cho tổ quốc và nhân dân. Do đó, người được bố trí vào bộ máy nhà nước, bố trí vào vị trí lãnh đạo nhất định phải là người có cả tài và cả đức.

Năm 2015 và đầu năm 2016 là những năm quan trọng của đất nước khi chúng ta sẽ tiến hành Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc. Hơn lúc nào hết để đưa đất nước vượt qua được những khó khăn, hạn chế, hướng tới phát triển bền vững, hiện đại hóa đòi hỏi công tác bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo phải được đặc biệt coi trọng. Không có gì hiệu quả hơn bằng cách chúng ta nhìn nhận lại việc trọng dụng, sử dụng người tài, bố trí cán bộ của Bác để đúc kết kinh nghiệm, học tập làm theo.

Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng, sử dụng hiền tài. Chúng ta phải học Bác về điều đó. Chúng ta phải học Bác để thấu hiểu, đồng cảm, thân ái, gần gũi trí thức thì người trí thức sẽ như con tằm nhả tơ, nhả đến sợi tơ cuối cùng. Như những ngọn nến cháy sáng đến những giọt sáp cuối cùng. Người trí thức chân chính gắn bó với dân tộc và nhân dân, họ không tiếc gì cả. Điều quan trọng là lãnh đạo có đối xử với trí thức chân thành, khiêm tốn và có tin dùng hay không. 

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo

MỚI - NÓNG