NHNN có thể phát hành mác vàng riêng, SJC hết độc quyền?

NHNN có thể phát hành mác vàng riêng, SJC hết độc quyền?
TP - Sáng 13- 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu... Ông khẳng định có tiêu cực lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng và không loại trừ khả năng NHNN sẽ có mác vàng riêng.

NHNN sẽ có mác vàng riêng

Trả lời câu hỏi của các đại biểu QH về quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu lại quan điểm đã trình bày trước QH là hiện nay chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Do vậy, không nhất thiết phải bình ổn giá vàng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thống đốc trả lời khôn là tốt, nhưng cũng đừng nghĩ dân không biết gì

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi, tại sao NHNN không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu để tạo ra sự độc quyền, có biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thực tế trước đây do quan niệm vàng là hàng hóa thông thường nên không ai quản lý chất lượng.

“Điều đó đã thôi thúc chúng tôi phải nhanh chóng xây dựng một nghị định mới để có cơ sở pháp lý nhằm quản lý thị trường này, trong đó có quản lý về chất lượng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người nắm giữ vàng”, ông Bình nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ chuẩn hóa vàng trên thị trường về một loại có chất lượng cao nhất, uy tín nhất. “Không loại trừ khả năng sau khi chuẩn hóa được lượng vàng này thì NHNN sẽ chính thức có mác vàng riêng để phát hành song hành. Kinh nghiệm thực tế của đổi tiền trong thời gian trước đây thấy rằng, đổi nhãn mác chỉ diễn ra khi thị trường tương đối ổn định mới có hiệu quả”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, lý giải của Thống đốc về việc không cần bình ổn khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch là “chưa thuyết phục”.

“Thống đốc trả lời khôn là tốt nhưng cũng đừng nghĩ là dân không biết gì. Thống đốc nói không ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô, không có lý do gì để bình ổn giá vàng. Vậy vì sao trong Nghị quyết của QH năm 2011 yêu cầu phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệnh với giá vàng thế giới.

Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2013 mà QH vừa thông qua cũng nêu: khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng trong nước, liên thông với giá vàng thế giới.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân. Với sự trả lời như trên thì Thống đốc có thực hiện Nghị quyết của QH hay không?”, ĐB Nguyễn Văn Tuyết truy vấn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, chính vì thực hiện Nghị quyết của QH năm 2011 nên NHNN đã phải cho phép nhập 15 tấn vàng vào quý IV 2011 để đảm bảo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.

Nhưng sau khi ban hành Nghị định 24, NHNN kiên quyết không cho nhập bất kỳ kilôgam vàng nào nữa vì môi trường pháp lý của chúng ta đã thay đổi. Những giải pháp trước đây không còn ý nghĩa thực tiễn nữa.

“DN tốt, tôi chỉ đạo cấp tín dụng ngay”

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi, tiền huy động được đi đâu khi tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 2%, trong khi tăng trưởng huy động vốn hơn 10%? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thanh khoản ngân hàng mới được cải thiện, chưa bền vững.

“Nếu đại biểu có điều kiện đến NHNN, các đơn vị chức năng sẽ giới thiệu với đại biểu bảng cân đối của toàn ngành thì sẽ rất rõ tiền vào, tiền ra, khoản nào mua mắm, khoản nào mua tép, rất đầy đủ trong bảng cân đối tiền tệ của toàn hệ thống”, ông Bình nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng đến tháng 10 là 3,36%.

Tăng trưởng huy động 14%, quy ra tiền khoảng trên dưới 400.000 tỷ đồng. Số tiền này được NH mua 183.000 tỷ trái phiếu Chính phủ, 80.000 tỷ tăng trưởng tín dụng; 50.000 tỷ dự trữ bắt buộc và gần 50.000 tỷ tiền dư thừa chưa cho vay ra được.

“NHNN còn phải hút bớt tiền về vì sợ lãi suất xuống quá thấp. Hiện nay NHNN đang hút tiền về của các ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỷ. Như vậy, cộng các khoản tiền này thì thấy rõ 400.000 tỷ đồng đi đâu”, ông Bình nói.

“Thống đốc có chia sẻ gì với DN?”. Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, ông đã gặp gỡ rất nhiều DN tại 36 tỉnh, thành phố.

“Ngân hàng với DN như hình với bóng. Nhà tôi làm ngân hàng đến nay đã 30 năm, cha mẹ tôi cũng làm ngân hàng. Thường DN mang quà đến cho ngân hàng nhưng nếu DN tốt thì ngân hàng lại mang quà đến DN vì có DN mới có ngân hàng. Chúng tôi hết sức chia sẻ với những khó khăn của DN”, ông Bình nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “Anh Bình ơi, mang quà đi quà lại nhưng bây giờ DN người ta vẫn kêu là chưa tiếp cận được vốn”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “DN không cần tốt, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu, thậm chí hơi yếu một tí, các đồng chí mang đến đây, với tư cách là Thống đốc NHNN tôi sẽ chỉ đạo toàn hệ thống cấp tín dụng mới ngay, thậm chí lãi suất hợp lý”. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng phải đốt đuốc đi tìm DN tốt.

Chỉ cần nửa giải Nobel

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Thống đốc trình bày “theo logic của Thống đốc chứ không theo logic của cuộc sống. Sau kỳ họp này, tôi không thấy lạc quan, qua trình bày của Thống đốc làm cho niềm tin của tôi giảm đi”, ông Lịch nói.

ĐB này đặt hàng loạt câu hỏi như: “Vì sao giá vàng tăng cao? DN điêu đứng, chúng ta muốn giảm lãi suất, nhưng thực tế điều hành lại không muốn?

Chúng ta chống lạm pháp là đúng, biện pháp của Chính phủ là đúng, nhưng cứ hình dung nếu mỗi ngày cơ thể cần 1 lít nước, nhưng cung cấp 100ml, cơ thể không co giật sao được”...

Lý giải việc NHNN hút tiền về không để lãi suất xuống quá thấp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: Các tổ chức tín dụng đang dư tiền, dù không nhiều, nhưng không đầu tư ra được trong khi vẫn phải trả lãi tiền gửi cho dân. Ông Bình cho rằng, việc hút tiền là đúng đắn để giữ mức dư thừa trong thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý.

Đối với thị trường vàng, Thống đốc cho biết, việc quản lý thị trường vàng trước đây bất cập là đánh giá của cả tập thể Chính phủ chứ không phải của riêng mình.

“Tôi không gắn sự chuyển biến của việc quản lý thị trường vàng với thời gian của tôi làm Thống đốc mà gắn với thời gian ban hành Nghị định 24. Mong đại biểu hiểu cho đúng”, ông Bình nói.

Về tình hình khó khăn của DN do siết tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: Các chính sách vĩ mô không thể đáp ứng được mọi nhu cầu. “Người tìm ra lý thuyết “bộ ba bất khả thi” giữa tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá được trao giải Nobel, trong khi ta vừa muốn kiềm chế lạm phát vừa muốn tăng trưởng”, Thống đốc nói.

“Tôi từng nói đùa với Chủ tịch QH “thôi thì em chỉ cần nửa giải Nobel nếu làm được một trong hai”.

Một số ĐB cũng chất vấn có hay không tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng, trong việc để nợ xấu gia tăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định là có.

“Một ngân hàng mà chỉ do một nhóm nhỏ cổ đông quyết định tất cả thì khó tránh”, Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kết quả thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng cho thấy ở nhiều nơi, nhóm cổ đông chi phối tại ngân hàng đều có công ty sân sau.

Dư nợ của bản thân ngân hàng tại các công ty này rất cao, có nơi lên tới 90%. Phần lớn các dư nợ này nằm chết trong bất động sản, vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân thua lỗ, nợ xấu của các ngân hàng.

“NHNN sẽ kiên quyết không cho nhập vàng cũng như để thị trường trong nước liên thông với thế giới. Nhiều chủ sàn vàng trước kia cho biết họ căm tôi lắm. Nhưng sau này gặp, họ bảo nếu cho tiếp tục, có lẽ bây giờ họ cũng giống... bầu Kiên”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG