Nhiều ý kiến ủng hộ lập trung tâm cắt cơn nghiện bắt buộc

TP - “Người nghiện ma túy đã hiện diện ở 100% các tỉnh, thành phố và xuất hiện trong mọi thành phần xã hội, từ học sinh đến công chức và người lao động... gây bất an cho cộng đồng”,- bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nói.
Nhiều ý kiến ủng hộ lập trung tâm cắt cơn nghiện bắt buộc ảnh 1

Cùng hoạt động ngoại khóa để quên đi ma túy. Ảnh: L.N

Từ đầu năm đến nay, trong số 204.000 người nghiện, mới chỉ có 33 người được đưa đi cai nghiện bắt buộc. TPHCM, nơi có số người nghiện lớn nhất cả nước (hơn 19.000, có 4.500 người đang ở cộng đồng, chưa đưa ai vào cai bắt buộc. 

Theo Nghị định 221 về Luật Xử lý vi phạm hành chính để đưa một người nghiện vào cơ sở cai nghiện, phải qua ít nhất 11 công đoạn, giấy tờ trong khi thông tư hướng dẫn vẫn chưa cụ thể. Nghị định yêu cầu phải xử lý hành chính, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai bắt buộc khi họ đủ 18 tuổi trở lên do tòa án cấp huyện quyết định.

Thực tế, đến nay chưa có biểu mẫu hướng dẫn của Bộ Công an về lập hồ sơ đối tượng nghiện ma túy để xử lý hành chính, nên không làm hồ sơ để gửi lên tòa được. Ngoài ra, trước khi đưa đi cai, người nghiện phải được giáo dục ở địa phương 3-6 tháng. Nếu giáo dục không được thì giao tổ chức xã hội xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao tòa án ra quyết định đưa đi cai.

Nhiều người nói rằng, TPHCM có 60% người nghiện không cư trú tại đây, còn “giao tổ chức xã hội xét nghiệm” thì đến nay vẫn chưa biết tổ chức xã hội nào. Vậy là việc đưa đối tượng nghiện đi cai tập trung bị “kẹt”.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho rằng nên giao việc quản lý cho trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TPHCM, kiến nghị Công an TPHCM vận dụng biểu mẫu trước đây đã làm để đưa đối tượng cai nghiện đi cai tập trung trong khi chờ hướng dẫn.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng, nên cho TPHCM cơ chế đặc thù mới có thể sớm đưa người nghiện đi cai bắt buộc được, còn thực hiện như các tỉnh thành khác thì không ổn vì tại TPHCM, số người nghiện (cả thường trú và tạm trú) ngày càng tăng.  

Nhiều người liên quan đồng ý với hai phương án quản lý người nghiện mà chính phủ đưa ra. Phương án thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để cắt cơn nghiện, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện để chờ hoàn thiện thủ tục đưa họ vào cai nghiện tập trung được nhiều người đồng tình. Trước mắt sẽ giải quyết được vấn nạn người nghiện gây mất an ninh tại cộng đồng, và giúp họ cắt cơn. 

MỚI - NÓNG