Nhiều trường hợp giám định tâm thần không chính xác

Cơ quan công an kiểm tra tại hiện trường vụ “rút ruột” công trình. Ảnh: Đinh Vũ
Cơ quan công an kiểm tra tại hiện trường vụ “rút ruột” công trình. Ảnh: Đinh Vũ
TP - Tại hội nghị tổng kết về công tác giám định tư pháp do Chính phủ tổ chức chiều 25/11, TAND Tối cao cho biết, có nhiều trường hợp kết luận giám định tâm thần không khách quan, không chính xác. Nguyên nhân là do việc giám định tâm thần có thể bị thay đổi do tác động của các yếu tố bên ngoài, dẫn đến sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết vụ án hình sự.

Chưa có cơ chế kiểm soát giám định tâm thần

Theo TAND Tối cao, hiện nay việc giám định pháp y tâm thần còn rất nhiều vướng mắc. Ngoài chi phí lớn thì thủ tục giao nhận đối tượng tâm thần cũng hết sức khó khăn. Nhiều trường hợp đối tượng không chấp hành, không hợp tác. Thực tiễn có nhiều trường hợp kết luận giám định tâm thần không khách quan, chính xác. Nguyên nhân là do việc giám định tâm thần có thể bị thay đổi do tác động của các yếu tố bên ngoài, dẫn đến sai lệch, không chính xác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết vụ án hình sự.

Theo đó, TAND Tối cao đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định tư pháp. Quy định cụ thể hậu quả pháp lý và chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý không chấp hành quy định giám định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, việc giám định tâm thần đối với các bị can, bị cáo hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm soát. Bên cạnh đó cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề như: “khỏi bệnh” và “bệnh ổn định” đối với những trường hợp người phạm tội bị bệnh tâm thần. Ngoài ra, luật chưa quy định rõ trách nhiệm của giám định viên cũng như chế tài xử lý khi giám định viên làm không đúng, không làm tròn trách nhiệm và gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Án tham nhũng trong xây dựng ít vì vướng quyết toán

Đê cập đến vai trò của giám định tư pháp trong các vụ án tham nhũng, ông Trần Công Phàn khẳng định, trong nhiều vụ việc kết luận giám định về tài chính, kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng công trình là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm, thậm chí nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất. Tuy nhiên chưa có sự điều phối, hợp tác của các bộ, ngành liên quan dẫn đến việc thực hiện giám định trong lĩnh vực này thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Đối với các vụ án tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, ông Phàn cho biết, có quan điểm cho rằng, phải có quyết toán công trình thì kết luận giám định mới có giá trị pháp lý. Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản thi công diễn ra nhiều năm, không biết thời điểm nào để quyết toán công trình, mà thời hạn điều tra được quy định có giới hạn. Do vậy, mặc dù nhiều công trình xây dựng đã có dấu hiệu rút ruột công trình, sai phạm rất rõ ràng như lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt nhưng các cơ quan truy tố, xét xử vẫn cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán công trình thì chưa cấu thành tội phạm. “Đây chính là nguyên nhân dẫn đến có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố, truy tố, xét xử trong thời gian vừa qua”, ông Phàn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình giải quyết án tham nhũng, nhiều vụ án bị ách tắc không phải do bản thân hoạt động giám định tư pháp mà là do sự không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về sự cần thiết cần trưng cầu giám định. Nhiều trường hợp giám định từ chối việc tham dự phiên toà để trình bày, giải thích kết luận giám định hoặc tham dự nhưng chỉ trả lời mang tính hình thức, né tránh gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

MỚI - NÓNG