Nhiều tỉnh miền Tây cấm tàu, thuyền ra khơi để tránh bão

TPO - Trước diễn biến của bão số 14 (Krovanh), một số tỉnh miền Tây họp khẩn và có công văn hoả tốc cấm tàu, thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt trên biển để phòng, tránh bão.

Ngày 21/12, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có công văn hoả tốc yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc cấm tàu, thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển từ 11 giờ 00 ngày 21/12 cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão số 14.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu tăng cường việc cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực ven biển, ven sông, các cù lao có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp do ảnh hưởng của triều cường.

Nhiều tỉnh miền Tây cấm tàu, thuyền ra khơi để tránh bão ảnh 1 Tại Sóc Trăng, các phương tiện tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển bị cấm ra khơi kể từ 11 giờ 00 ngày 21/12 cho đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp xuống địa bàn các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường lực lượng trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và thường xuyên các sự cố xảy ra (nếu có) về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo số liệu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, tính đến 5 giờ ngày 21/12, Sóc Trăng có 438 phương tiện với 2.304 thuyền viên đang hoạt động trên biển, trong đó, có 350 tàu đánh bắt xa bờ, với 2.100 thuyền viên; 88 tàu đánh bắt gần bờ với 204 thuyền viên. Hiện, tất cả các thuyền viên ngoài khơi đã nắm thông tin, diễn biến, hướng di chuyển của bão.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp khẩn thông tin về tình hình chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 14. Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Bộ đội Biên phòng chủ động thực hiện các biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, tránh thiệt hại về người và phương tiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, đặc biệt là ở vùng ven biển trước ảnh hưởng của bão số 14, cũng như khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, do Bạc Liêu ít có bão xảy ra nên có thể người dân còn có sự chủ quan. 

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu, đến 10 giờ cùng ngày, tổng số tàu thuyền trên địa bàn đang hoạt động trên biển là 371 tàu/ 2.875 người. Số tàu đang neo đậu tại bến là 766 tàu/4.012 người; đã liên lạc được 100% đối với tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Bộ độ biên phòng đã mở các cột đèn tín hiệu báo bão, bắn pháo hiệu báo bão tại các Đồn Biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24h để phục vụ tàu thuyền tránh trú bão. Cơ quan chức năng đã ra thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển để phòng tránh bão số 14 bắt đầu từ 15 giờ ngày 21/12 cho đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão số 14.

Tại Cà Mau, sáng nay UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai các hoạt động ứng phó bão số 14.

Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc người dân chằng chống nhà cửa theo phương án đã phê duyệt đối với nhà có kết cấu yếu, nhất là các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo lực lượng xung kích hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực hiện việc chằng chống nhà ở. Hoàn thành việc chằng chống nhà ở trước 7 giờ ngày 23/12.

Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát, để kịp thời gia cố các tuyến đê xung yếu, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân....

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 21/12, bão số 14  đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

MỚI - NÓNG