Hà Nội:

Nhiều quận, huyện kiến nghị “cởi trói” ngân sách

Ai chịu trách nhiệm về việc huyện Đan Phượng vung tay xây nhà hát trăm tỷ đồng? Ảnh: Tuấn Minh
Ai chịu trách nhiệm về việc huyện Đan Phượng vung tay xây nhà hát trăm tỷ đồng? Ảnh: Tuấn Minh
TP - Nhiều quận, huyện, sở ngành kiến nghị HĐND thành phố Hà Nội phân cấp mạnh hơn về thu chi ngân sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cắt giảm thủ tục hành chính…

“Chiếc áo” quá chật

UBND huyện Quốc Oai cho biết, một số nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi chưa phù hợp. Nhiều nhiệm vụ phân cấp cho huyện nhưng không giao thêm biên chế, ngân sách. Việc phân cấp thành phố quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế, thanh tra xây dựng cần phải xem lại vì dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn và không phát huy được hiệu quả. UBND huyện Quốc Oai đề nghị thành phố giao cho cấp huyện quản lý trực tiếp các đơn vị này. Quy định về thu tiền sử dụng đất quy mô dưới 5.000 m2, điều tiết thành phố 70%, huyện 30% là không khuyến khích địa phương phấn đấu khai thác nguồn thu.

Ông Lưu Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho rằng, vốn được phân cấp hằng năm không đủ do tốc độ đô thị hóa nhanh. Định mức áp dụng theo số lượng dân số thống kê năm 2011 đã rất lạc hậu. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần được đầu tư nhiều hơn. Số lượng học sinh tăng kéo theo nhu cầu giáo viên cũng tăng hằng năm. Đại diện Sở

VH-TT&DL Hà Nội đề nghị bổ sung khoản thu công đức vào danh mục nguồn thu của ngân sách thành phố. Về nhiệm vụ chi, Sở này đề nghị thành phố cần tăng thêm mức chi cho công tác tuyên truyền, tăng cường đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao du lịch cấp thành phố.

Sở LĐ-TB&XH đề nghị thành phố phân bổ chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 cần tăng định mức đối với lĩnh vực dạy nghề lên 10 triệu đồng/học sinh; tăng 15% định mức phân bổ chi khác cho các đơn vị quản lý hành chính, sự nghiệp. Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ đề nghị thành phố tăng cường phân cấp, giao cho quận làm chủ đầu tư xây dựng thêm một số tuyến đường bằng nguồn vốn cân đối của địa phương để có thể đẩy nhanh được tiến độ khớp nối hạ tầng, phục vụ nhu cầu dân sinh. Nhằm tăng cường sự tự chủ, năng động và cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý ngân sách, ông Tứ cũng đề nghị thành phố tăng thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho quận tránh tình trạng cái gì cũng phải đi “xin” thành phố.

“Cởi trói” phải đi liền với kỷ luật

Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2011 - 2015 đã nâng số quận, huyện tự đảm bảo cân đối ngân sách lên 7 đơn vị (giai đoạn 2006 - 2010 số đơn vị tự đảm bảo cân đối là 6 quận), đã khuyến khích địa phương trong công tác quản lý, khai thác nguồn thu.

Tuy nhiên, hạn chế là nguồn thu của một số quận, huyện phụ thuộc lớn từ nguồn thu từ đất đai trong khi nguồn thu này lại phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Trong phân cấp về nhiệm vụ chi, việc phân cấp chi đầu tư xây dựng cơ bản hiện còn tồn tại về trách nhiệm đầu tư giữa các cấp ngân sách. Sở Tài chính đề nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ngân sách, các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng việc tăng cường phân cấp ngân sách phải đi liền với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này. Ông Hoạt đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm của sở ngành trong quản lý. Dù đã phân cấp cho cấp nào thực hiện thì Sở vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực ngành mình quản lý.

Ông Nguyễn Văn Nam, Ủy viên thường trực HĐND thành phố đề nghị các quận, huyện, sở ngành cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố, về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi theo từng lĩnh vực, gắn với phân cấp quản lý kinh tế-xã hội; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi…

Đợt giám sát của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi diễn ra trong tháng 3 tại các Sở: VH-TT&DL, LĐ-TB&XH, Xây dựng, Quy hoạch-Kiến trúc và nhiều quận huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Quốc Oai, Hoàn Kiếm…

MỚI - NÓNG