Nhiều nước sắp áp dụng 'hộ chiếu vắc-xin'

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: JiJi
Ảnh: JiJi
TP - Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa nới lỏng cảnh báo đi lại với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và mở cửa trở lại.

Danh sách đánh giá mức độ rủi ro ở từng quốc gia được CDC đăng lên website từ ngày 8/6. Độ rủi ro được chia thành 4 cấp. Cấp độ 4 bao gồm 61 quốc gia mà Mỹ không khuyến khích công dân Mỹ đến dù đã tiêm phòng.

50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách này được xếp vào cấp độ 2 hoặc 1. Những nước có nguy cơ COVID-19 thấp nhất gồm Singapore, Israel, Hàn Quốc, Iceland, Belize, Albania. Các nước được đưa vào nhóm cấp độ 3 gồm Pháp, Ecuador, Philippines, Nam Phi, Canada, Mexico, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Honduras, Hungary và Ý.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ đã cập nhật khuyến cáo để phản ánh sự thay đổi về phương pháp đánh giá, nhưng nhấn mạnh rằng các cấp độ này có thể thay đổi vì những yếu tố như “sự sẵn có của các chuyến bay thương mại, chính sách hạn chế vào Mỹ, và những khó khăn trong việc có được kết quả xét nghiệm trong vòng 3 ngày”.

Việt Nam được CDC Mỹ xếp vào nhóm thuộc cấp độ 1, nghĩa là những người đã tiêm phòng đầy đủ có thể đến. CDC cũng khuyến cáo những người đến Việt Nam phải tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn ở Việt Nam, như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Xếp hạng của CDC đối với Mỹ đã được hạ từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3. CDC cho biết nhiều quốc gia được hạ cấp độ vì “thay đổi về tiêu chí hoặc tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn”. Mỹ vẫn cấm tất cả những người không phải công dân Mỹ trong 14 ngày trước đó từng đến Trung Quốc, Anh, Ireland, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, Iran và 26 quốc gia châu Âu.

Khi được hỏi vì sao Mỹ vẫn duy trì hạn chế dù một số quốc gia đang có tỷ lệ lây nhiễm thấp, trong khi những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao lại được miễn trừ, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết vấn đề này liên quan đến “sự bàn bạc liên ngành” và giới chức Mỹ xem xét dữ liệu theo thời gian thực để quyết định cách làm.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang lập các nhóm chuyên gia để làm việc với Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU) và Anh để xác định cách tốt nhất nhằm khôi phục lại hoạt động đi lại một cách an toàn sau 15 tháng hạn chế, Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Ngày 8/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu rằng việc nới lỏng hạn chế đi lại và quy định về cách ly sẽ được áp dụng với những người đã tiêm phòng đầy đủ vắc-xin COVID-19. Phát biểu với báo chí, ông Trudeau nói rằng tất cả người dân Canada đều muốn được đi du lịch, nhưng cần bình tĩnh thêm chút nữa cho đến khi có thêm nhiều người được tiêm mũi vắc-xin thứ hai.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CTV News ngày 9/6, ông Jim Diodati, Thị trưởng Niagara Falls nói ông có cuộc họp với các thị trưởng của những địa phương biên giới và Bộ trưởng Y tế Bill Blair hôm 28/5 về khả năng nới lỏng hạn chế biên giới từ ngày 21/6, khi Canada đạt tỷ lệ tiêm 1 mũi cho 75% dân số và đủ 2 mũi cho 20% dân số.

Các chính trị gia Mỹ đang kêu gọi chính quyền Biden lên kế hoạch mở cửa trở lại với Canada vào ngày 4/7.

EU, Nhật rục rịch

Ngày 9/6, các nghị sĩ EU bỏ phiếu thông qua luật về cấp chứng nhận cho những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đi lại trong khối và góp phần hồi phục nền kinh tế.

Giấy chứng nhận sẽ do chính phủ từng quốc gia thành viên cấp dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm chứa mã QR, trong đó cung cấp thông tin về người đã được tiêm phòng vắc-xin COVID-19, có kết quả âm tính gần đây hoặc đã bình phục sau khi mắc bệnh. Hệ thống này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 và duy trì trong 12 tháng, Reuters đưa tin.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 từ mùa hè này để tạo thuận lợi cho họ khi đi ra nước ngoài, Japan Times dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết.

Khi ngày càng có nhiều quốc gia kiểm tra thông tin tiêm phòng của người nhập cảnh, “hộ chiếu vắc-xin” được coi là cách hỗ trợ những người đi lại vì mục đích làm ăn.

Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đứng đầu nhóm chuẩn bị gồm quan chức của các bộ ngoại giao và y tế để nghiên cứu vấn đề này. Nhóm đang tính sẽ ghi cụ thể ngày tiêm phòng và hãng vắc-xin mà họ tiêm trên “hộ chiếu vắc-xin”. “Hộ chiếu vắc-xin” ban đầu sẽ là giấy chứng nhận, nhưng sau này có thể là một ứng dụng trên điện thoại.

MỚI - NÓNG