Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, phía Mỹ, Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực quản lý vùng biển. Một số nước khác bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia gìn giữ hòa bình.
Nhiều quốc gia mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, thiết lập đường dây nóng, chia sẻ thông tin… Phía Việt Nam đề nghị các nước đẩy mạnh việc giúp đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam.
Hoan nghênh lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông
Về tình hình biển Đông, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách khách quan, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có nhiều động thái khiêu khích.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, Đối thoại Shangri-La 2014 đã hoan nghênh lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng luật pháp, không được có các hành động đơn phương, tạo ra việc đã rồi hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Việt Nam sử dụng các lực lượng chấp pháp, tàu cá của ngư dân phối hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời cố gắng thông qua con đường đối thoại với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để tìm kiếm biện pháp giải quyết căng thẳng hiện nay.
Các nước đều bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông, mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông…
Các nước đều tán thành việc tự kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, không được dùng vũ lực, vì nếu xung đột xảy ra thì đó là một thảm họa khu vực về giao thương, hàng hải, hàng không, kinh tế… Biển Đông là khu vực có đường biển quốc tế rất quan trọng đối với nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Bên lề Shangri-La 2014 (kỳ đối thoại thường niên đông nhất, với sự có mặt của 450 đại biểu), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh có các phiên làm việc riêng rẽ với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Cần đẩy mạnh xây dựng lòng tin
Sáng 1/6, diễn ra phiên họp toàn thể thứ tư của Đối thoại Shangri-La 2014 với chủ đề cách nhìn của các siêu cường về hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tại phiên họp này, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói rằng, Nga và nhiều nước khác mong muốn tăng cường hiệu quả thực tế của hợp tác quân sự trên cơ sở song phương và đa phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Tôi nhấn mạnh đến Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng mà Bộ Quốc phòng Nga đang chú trọng vấn đề hợp tác quân y. Năm nay, chúng tôi sẽ là đồng chủ tịch với Thái Lan về công tác này”, ông Antonov nói.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga, các nước cần thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để giảm căng thẳng trong khu vực, chủ yếu thông qua đối thoại chính trị giữa quân đội ở tất cả các cấp, công khai và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận về ngăn ngừa những hoạt động quân sự nguy hiểm ở gần biên giới mỗi nước.
“Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn tất những thỏa thuận này với Mỹ, Canada, Trung Quốc và Hàn Quốc. Công tác tương tự đang được tiến hành với Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên”, ông Antonov cho biết.
Trong phiên họp toàn thể cuối cùng chiều qua, các đại biểu Singapore và Pháp dẫn dắt thảo luận, tập trung vào vấn đề bảo đảm quản lý xung đột nhanh ở châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kiến nghị: “Châu Á phải xây dựng nhiều cơ chế linh hoạt hơn để tạo sự đồng thuận và ý chí chính trị nhằm ngăn ngừa xung đột”.
Ông nói rằng, châu Á không được rơi trở lại môi trường bị nung nóng bởi “chủ nghĩa dân tộc đối đầu và sự thiếu lòng tin lẫn nhau”.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục chia rẽ ASEAN”
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề Đối thoại Shangri-La 2014 tại Singapore, GS. Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), một diễn giả uy tín tại diễn đàn thường niên này, cho rằng, ASEAN đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại trầm trọng trước các động thái đơn phương khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng Trung Quốc đã, đang và sẽ phớt lờ.
“Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp tục chia rẽ ASEAN”, ông nhận định. Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục ra các tuyên bố chính trị lên án các hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. “Tuy nhiên, Mỹ sẽ không có các biện pháp thực tế”, GS Thayer nói.
Theo ông, Trung Quốc đang tự tung tự tác, đã tự đứng trên luật pháp quốc tế, một phần vì nước này tự cho rằng, việc thúc đẩy cùng phát triển đã đi vào đường cùng nên có quyền “trừng phạt các nước Đông Nam Á vì đã không hợp tác với họ”. Nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ động cơ cùng phát triển của Trung Quốc.