Bố trí giáo viên trống tiết đứng lớp
Mục tiêu môn học là nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết các vấn đề.
Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm có thời lượng 105 tiết/năm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung này có vị trí tương đương các môn học khác.
Chương trình mới cũng quy định, UBND các tỉnh/TP phải tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu nội dung giáo dục địa phương và báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) trong giờ học thực nghiệm về Giáo dục địa phương. |
Trên thực tế, năm nay là năm thứ 3 chương trình GDPT áp dụng ở bậc tiểu học, năm thứ 2 đối với bậc THCS nhưng ở một số địa phương, việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương gặp khó khăn, thậm chí một số nơi phải “dạy chay”.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, năm ngoái khi chương trình GDPT mới áp dụng từ lớp 6, không có tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên đã tự tìm hiểu kiến thức lịch sử trên địa bàn Quận để dạy học. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT biên soạn thêm tài liệu để các nhà trường tổ chức dạy học, tìm hiểu về làng nghề, di tích lịch sử…
“Đây là hoạt động giáo dục rất ý nghĩa, rất gần với lịch sử, giúp học sinh hiểu nơi mình sinh sống nhằm thêm yêu quê hương, đất nước. Sau mỗi hoạt động, giáo viên sẽ đánh giá kết quả trên các bài thu hoạch do đó học sinh rất hào hứng”, bà Thuỷ nói.
Hiệu trưởng một trường THCS khác tại Hà Nội cũng cho rằng, đáng ra, tài liệu phải được biên soạn trước khi áp dụng chương trình trong khi ở đây bắt thầy cô phải “dạy chay”. Trên thực tế, nhà trường không có giáo viên bộ môn nên hễ giáo viên Lịch sử, Địa lý nào trống tiết thì bố trí đứng lớp. Thầy cô phải tự tìm hiểu kiến thức địa lý, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để giới thiệu cho học sinh.
Dạy học rồi mới viết sách
Mới đây, tại Hà Nội, Sở GD&ĐT và nhóm tác giả bộ tài liệu giáo dục địa phương mới bắt đầu tổ chức dạy thực nghiệm một số tiết tại Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình).
Sở GD&ĐT Hà Nội và nhóm tác giả chỉ đạo, hướng dẫn trường Tiểu học Hoàng Diệu quận Ba Đình dạy thực nghiệm 2/4 tiết trong chương trình lớp 3. Giờ dạy nhằm đánh giá mức độ đáp ứng việc nắm bắt nội dung, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, tính khoa học, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.
Cô giáo Nguyễn Thanh Lan và học sinh lớp 3A5 trường Tiểu học Hoàng Diệu đã thực hiện 2 tiết dạy thực nghiệm. Để việc dạy học tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 được hiệu quả, Sở đề nghị Phòng GD&ĐT quận Ba Đình chỉ đạo các trường tiểu học triển khai kế hoạch nghiên cứu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà trường về nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung đổi với tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 để hoàn thiện nội dung bộ tài liệu.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức hồi tháng 12/2022 cũng đã thừa nhận, việc biên soạn, phê duyệt, in ấn tài liệu giáo dục địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, năm 2018 Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, từ năm học 2019-2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo chương trình mới bắt đầu với lớp 1, đến năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa còn chậm so với yêu cầu triển khai. Một vài sách giáo khoa môn học còn gây băn khoăn trong dư luận. Việc lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa ở một số địa phương còn chậm hoặc có thiết sót, hạn chế. Việc biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương của một số địa phương còn chậm muộn, chất lượng một số tài liệu giáo dục địa phương còn hạn chế.
Nguyên nhân biên soạn tài liệu giáo dục địa phương chậm được cho là, một số tỉnh/ TP chưa có kinh nghiệm trong biên soạn, thẩm định tài liệu, chưa kể, kinh phí dành cho việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương còn thấp và còn một số nội dung còn thiếu; các địa phương gặp khó khi tác giả có trình độ chuyên môn tham gia viết sách.