Rối bời tuyển sinh đầu cấp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù còn 6 tháng nữa mới đến năm học mới nhưng tại Hà Nội thời điểm này phụ huynh đã sốt xình xịch chuyện đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho con.

Băn khoăn học công hay tư

Ở những thành phố lớn, bên cạnh trường công lập còn có hệ thống trường tư thục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của phụ huynh, học sinh. Đứng trước lựa chọn, nhiều người băn khoăn không biết nên cho con vào trường tư hay trường công lập. Một số người tìm hiểu cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, chương trình của từng trường nhưng cũng có người đổ xô đi đăng ký một trường nào đó theo phong trào.

Chị Nguyễn Thị Hằng (ở quận Nam Từ Liêm) đã đăng ký thành công tuyển sinh vào lớp 1 cho con ở một trường tại quận Cầu Giấy. Vì nhà xa trường khoảng 10 km nên gia đình lựa chọn phương án đăng ký ô tô đưa đón hai chiều với giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Theo chị Hằng, trước khi ghi danh cho con vào trường tư thục, chị đã tìm hiểu rất nhiều trường công lập, tư thục và thấy rằng, học trường công lập điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất rất tốt nhưng điểm trừ là dạy học ngoại ngữ chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, ở trường tư hiện nay, nhiều trường liên kết các đơn vị dạy 8-10 tiết tiếng Anh/tuần và chú trọng các hoạt động trải nghiệm. “Hai vợ chồng có công việc bận rộn, không có thời gian đưa đón con đi học thêm nên xác định học trường tư dù chi phí đắt đỏ hơn”, chị Hằng nói.

Mới đây, tại Hội nghị tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường thông báo thông tin tuyển sinh rộng rãi, công khai, phương thức tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh, tránh gây ồn ào, tạo áp lực không đáng có.

Trong khi đó, anh Trần Văn Nam (ở quận Thanh Xuân, năm nay có con vào lớp 1) cho biết, nhà gần trường công lập rất thuận tiện đưa đón nhưng vì sĩ số lớp đông, nhà vệ sinh không sạch sẽ nên sẽ không lựa chọn. Xác định cho con học trường tư, anh Nam cho con luyện chữ, học Toán và học thêm Tiếng Anh ở trung tâm từ khi lên 5 tuổi chuẩn bị cuộc đua tuyển sinh vào lớp 1.

Thời điểm này, các trường ngoài công lập đều đã công bố nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như: phỏng vấn năng lực; trải nghiệm học lớp 1 một ngày…

Rối bời tuyển sinh đầu cấp ảnh 1

Phụ huynh trắng đêm xếp hàng mua hồ sơ tuyển sinh lớp 1 tại Trường Marie Curie Hà Nội tối 24/2ảnh: Trọng Tài

Mới đây, sự việc hàng trăm phụ huynh xếp hàng trắng đêm tại Trường Marie Curie Hà Nội để tranh suất hồ sơ trải nghiệm lớp 1 cho con gây xôn xao dư luận. Hình ảnh đông đảo phụ huynh ngồi vạ vật chờ từ 15 giờ chiều hôm trước đến 24 giờ đêm để trường phát hồ sơ gây tranh cãi trên các diễn đàn.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, lý giải việc không cho phụ huynh đăng ký hồ sơ trực tuyến vì lo ngại hồ sơ ảo, trong khi người có nhu cầu học thật lại không có cơ hội. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây là lý giải chưa hợp tình hợp lý, thậm chí là “chiêu trò” quảng cáo cho trường.

Cần chấm dứt ồn ào tuyển sinh

Một số trường ngoài công lập có lượng hồ sơ cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh nhiều năm nay vẫn có phương thức tuyển không ồn ào như vậy.

Bà Đào Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho biết, năm nay trường dự kiến tuyển hơn 600 học sinh đầu cấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh, nhà trường mở hệ thống đăng ký trực tuyến, sau đó gửi thông tin xác nhận qua hộp thư điện tử. “Năm ngoái, có khoảng 1.800 hồ sơ đăng ký, tỉ lệ chọi là 1/3, do đó trường sẽ tổ chức một buổi phỏng vấn ngắn học sinh để tuyển khoảng 600 em vào lớp 1”, bà Thủy nói.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận, công tác tuyển sinh mấy năm gần đây, nhất là hiện tượng phụ huynh xếp hàng trắng đêm chờ mua hồ sơ cho con vào lớp 1 cho thấy có tình trạng không tin tưởng vào giáo dục công lập nói chung. “Thậm chí, một số phụ huynh có định kiến, phân biệt về chất lượng các trường (trường tốt, trường kém). Khi đã vào trường học rồi lại có hiện tượng phân biệt lớp cô này tốt, lớp cô kia không tốt. Ẩn đằng sau hiện tượng đó vẫn là tâm lý thành tích”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, nhà trường thông báo mở cửa nhận hồ sơ ngày 25/2 nhưng nửa đêm vẫn bán hồ sơ khiến phụ huynh lo lắng, xếp hàng gây phiền nhiễu, bất tiện. Việc bán hồ sơ trải nghiệm cũng tạo ra sự không công bằng về cơ hội cho các em học sinh. “Đề nghị cơ quan quản lý giáo dục không thể để sự việc như thế này tiếp tục xảy ra. Thậm chí cần có hình thức kỷ luật nhắc nhở nhà trường về việc đã xảy ra sự việc nhiều năm rồi”, ông Nam nói.

Ông Nam khuyên phụ huynh chỉ nên chọn trường nào phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của trẻ và điều kiện kinh tế gia đình. Đối với học sinh tiểu học, cha mẹ nên chọn trường gần nhà để đi lại thuận tiện.

MỚI - NÓNG