Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì giá lạnh

Ảnh minh họa: Hoàng Mạnh Thắng
Ảnh minh họa: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày, khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận từ 100-150 bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi, sinh non tháng, suy dinh dưỡng hoặc bị bệnh tim bẩm sinh.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết những ngày lạnh giá vừa qua trong số gần 4.000 trẻ đến bệnh viện mỗi ngày, phần lớn là trẻ mắc bệnh đường hô hấp và tiêu chảy do virus. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu và Chống độc cho hay, những trường hợp viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản nặng thì bệnh nhân thường có biểu hiện khó thở và tím tái. Do đó để phòng tránh những bệnh này cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra cần thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Trong những trường hợp trẻ bị bệnh nặng như sốt cao liên tục, trẻ ho nhiều, khó thở, kích thích, quấy khóc, thậm chí trẻ li bì, bỏ bú thì phải đưa trẻ đến viện điều trị càng sớm càng tốt.

Thời tiết lạnh giá cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi, nhất là người mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch bị nặng thêm. Bác sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nửa tháng qua, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận gần 20 bệnh nhân đột quy, tăng khoảng 10% so với bình thường. Theo bác sĩ Tôn, các nghiên cứu cho thấy, thời tiết lạnh, số bệnh nhân bị đột quy cũng như các bệnh lý tim mạch tăng tới 25%. Nguyên nhân là bởi huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao so với thời tiết không lạnh. Khi huyết áp tăng cao thì luôn có nguy cơ đột quy. Khi trời lạnh, cơ thể thường có hiện tượng co mạch, máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch gây đột quy. Ngoài ra, trong môi trường lạnh, người bệnh thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và cúm. Chính vì những điều này làm cho những người bị mắc các bệnh nền trước đó dễ dàng bị đột quy hơn những bệnh nhân thông thường.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bị đột quy, nên gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm, càng tốt. Khung giờ vàng để cấp cứu đột quy là dưới 6 tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ; nếu bệnh nhân có răng giả thì phải lấy ra. Các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ thứ gì để tránh bị sặc.

MỚI - NÓNG