Nhiều người chết, hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học vì lũ

Đi lại, sơ tán người, của cải trong xóm bằng thuyền. Ảnh: Nam Cường
Đi lại, sơ tán người, của cải trong xóm bằng thuyền. Ảnh: Nam Cường
TP - Hàng ngàn hộ dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… trong suốt đêm 7-11 và cả ngày 8-11 ngập chìm trong cơn mưa lũ bất thường.

> Lũ chia cắt QL 1A, nhấn chìm hàng nghìn hộ dân

Mưa to thượng nguồn cộng với xả lũ thủy điện và các hồ thủy lợi là tác nhân chính khiến người dân hứng chịu thảm cảnh.

Đi lại, sơ tán người, của cải trong xóm bằng thuyền. Ảnh: Nam Cường
Đi lại, sơ tán người, của cải trong xóm bằng thuyền. Ảnh: Nam Cường.

Tắc đường, ngập nhà

Sáng qua, QL 14B đã bị ngập sâu tới gần 1m nước tại địa phận qua xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam) khiến lưu thông bị ách tắc. Đường liên huyện Đại Lộc cũng bị ngập khiến gần như toàn huyện bị chia cắt, cô lập.

Anh Phan Hòa (xã Đại Cường), nói: Nước về gấp quá, trở tay không kịp, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã ngập gần 2m. Ông Phan Đức Tính- Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc cho hay, lũ về bất ngờ khiến gần 8.000 hộ dân bị ngập, trong đó hơn 2.500 hộ bị ngập trên 1m.

“Ngày 8-11, nước vẫn còn mức báo động 3, nước sông Ái Nghĩa cao trên 10m. Toàn bộ giao thông liên huyện bị tê liệt, dân đi lại phải dùng xuồng, bo bo. Huyện chỉ đạo lực lượng xung kích, dân quân tự vệ các xã trực chốt vùng xung yếu. Hiện Đại Lộc đã có 2 người chết, toàn huyện mất trắng 600 ha chuối, 200 ha rau màu, 200 ha lúa Đông. Chúng tôi cứu trợ theo phương châm 4 tại chỗ” - ông Tính nói.

Các xã Hòa Khương, Hòa Phong… của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho đến hôm qua, hàng ngàn hộ dân vẫn chìm trong lũ. Anh Nguyễn Văn Quý (thôn Cẩm Toại Trung), nói: Bắt đầu từ 18 giờ chiều 7-11, nước ào ạt đổ về, ngập toàn bộ mấy thôn chỉ trong tích tắc. Anh Quý từ 6 giờ sáng đến tận trưa phải chèo gần 20 lượt để giúp dân sơ tán. Nhiều người phải bám bậu cửa cả đêm tới sáng vì trong nhà không còn chỗ trú ngụ.

Ông Nguyễn Phương Vinh, tổ trưởng tổ 40 phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ), nói: Chưa năm nào, nước lũ lại lên nhanh và trên diện rộng như hiện nay. Chính quyền địa phương khẩn trương xẻ núi, mở đường giúp dân thoát khỏi cô lập.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ông Trần Văn Trường cho hay: Toàn huyện có trên 2.500 hộ dân bị ngập hoàn toàn, số hộ ngập một phần lên đến hơn 1.500 hộ. Huyện huy động tối đa lực lượng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng lũ quét, ngập sâu đến các vị trí cao. Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng nói: Tại quận Cẩm Lệ đến nay có gần 2.300 hộ bị ngập tại 57 tổ trên địa bàn.

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tính đến ngày 8-11, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4.070 nhà bị ngập, thuộc 3 huyện, thị. Riêng tỉnh Quảng Nam dự kiến khoảng 200.000 hộ (chiếm 62% tổng số hộ) thuộc 4 huyện, thị Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An sẽ bị ngập nếu mực nước hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn đạt mức như dự báo.

Theo báo cáo ban đầu, đến hôm qua, miền Trung đã có 19 người chết và mất tích. Riêng tỉnh Quảng Nam là 12 người, trong đó, nhiều cái chết thương tâm trong và ngay sau lũ.

Hàng ngàn học sinh nghỉ học

Mưa lũ bất thường khiến hàng trăm ngàn học sinh miền Trung phải nghỉ học dài ngày. Theo ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam), hiện 65 trường tạm thời đóng cửa, hàng trăm ngàn học sinh nghỉ từ thứ 7 tuần trước và phải thứ 5 này mới có thể đi học lại.

Tại Đà Nẵng, hơn 30.000 học sinh các trường từ mầm non đến THCS phải nghỉ học do nước lũ lên cao. Theo ông Lê Văn Phước - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang: 46 trường với tổng số hơn 23.000 học sinh trên địa bàn được yêu cầu cho nghỉ học để đảm bảo an toàn. Dự kiến phải sau 2 - 3 ngày học sinh mới trở lại lớp do nước lũ vẫn còn xu hướng gia tăng.

Theo ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Sở yêu cầu ngành giáo dục các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh quản chặt con em mình khi ở nhà, tránh tình trạng nghịch, lội nước gây thiệt hại đáng tiếc.

Thủy điện, thủy lợi có góp phần ?

Tại sao chỉ mưa hơn 1 ngày đêm, toàn miền Trung oằn mình trong cơn lũ bất thường? Trời đã nắng, vì sao lũ các sông thuộc hệ thống Vu Gia - Thu Bồn tiếp tục lên ? Cụ Nguyễn Duy - một người dân ở xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, trong đời từng chứng kiến nhiều trận lụt dữ dội hơn nhiều, nhưng tốc độ nước dâng thì trận lụt này là nhanh nhất. “Nghe đồn thủy điện A Vương và hồ thủy lợi Hòa Trung - Đồng Nghệ đồng loạt xả lũ. Khả năng là đúng, bởi lũ lên nhanh quá”.

Còn ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại đưa ra ý kiến ngược lại, khi cho rằng thủy điện A Vương… góp phần hạn chế lũ. “Bình thường, nếu không có thủy điện A Vương, với lượng mưa thượng nguồn như thế thì 750m3/s nước xuống hết, nhưng có A Vương, họ xả từ từ 70m3 - 170m3 - 300m3 rồi cao trình 408m3/s. Như vậy là hạn chế lũ”.

Còn Chủ tịch huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - ông Trần Văn Trường, khẳng định: Nguyên nhân nước lũ phải kể đến tác động của việc thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ. Trong đêm 7-11, thủy điện A Vương thông báo xã lũ. Lập tức các vùng hạ du trên địa bàn hứng chịu đợt nước lũ gia tăng. Dù không mưa nhưng nước lũ vẫn tiếp tục lên không chịu rút.

Hiện các hồ chứa nước Hòa Trung, Đồng Nghệ đều qua tràn và xả nước tự do theo thiết kế. Ngoài tác động của thủy điện, thủy lợi xả nước lượng mưa lớn phía thượng nguồn gây ngập úng sâu và cục bộ tại hạ du.

Lũ chia cắt Quốc lộ 1A, đường sắt tê liệt

Lũ chia cắt QL 1A Ảnh: Ngọc Văn
Lũ chia cắt QL 1A. Ảnh: Ngọc Văn.
 

Lũ tràn qua quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông. Trên đường sắt, hàng ngàn hành khách bị kẹt tại nhiều ga.

Sáng qua, lũ tràn qua Quốc lộ 1A khiến 7 điểm trên tuyến giao thông huyết mạch này bị ngập rất sâu, tập trung chủ yếu ở huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn khiến giao thông tắc nghẽn. Theo thống kê, đến ngày 8 - 11 tại Quảng Nam, mưa lũ đã làm 16 người chết.

Tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) nước lũ chia cắt, khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng tại khu vực cầu Bà Rén. Công an tỉnh Quảng Nam đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng tổ chức tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ tại nhiều khu vực nguy hiểm. Nghiêm cấm xe máy vượt các điểm lũ trên QL 1A, điều phối giao thông không để xảy ra tai nạn.

* Đến chiều tối 8-11, hàng trăm phường, xã tại tỉnh TT- Huế còn ngập giữa biển nước, hàng vạn gia đình vẫn chống chọi trong lũ, hơn 1.000 hành khách tàu lửa bị mắc kẹt do đường sắt tê liệt gần suốt ngày qua.

Suốt hôm qua, đường sắt qua TT- Huế bị tê liệt hoàn toàn, do khu gian Văn Xá (huyện Hương Trà) bị ngập từ 0,3-0,5m, bốn đoàn tàu khách SE1, SE3, SE5, SE19 và đoàn tàu SE8, với hơn 1.000 hành khách, bị kẹt lại tại ga Hiền Sĩ và ga Huế. Đến chiều tối, đường sắt qua tỉnh này mới thông tuyến.

* Chiều ngày 8-11, điểm sạt trên đèo Lò Xo thuộc đường Hồ Chí Minh vẫn ách tắc, chưa lưu thông được. Nguyên nhân do mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất, đá vùi lấp hơn 20m đường từ chiều 7-11.

Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở; phân công lực lượng giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện và người dân…

* Trong 2 ngày 7 và 8-11, mưa lớn kết hợp với hồ chứa nước Liệt Sơn xả lũ đã làm cho hơn 100 nhà dân ở xóm Gò Mít, thôn An Thường bị ngập lụt cục bộ. Ông Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho biết - Nguyên nhân là do Cty CP Giao Thủy tự ý san ủi hơn 40m đê ngăn nước lũ chạy dọc sông Lò Bó để lấy đất san lấp công trình đường từ QL 1A đi xã Phổ Vinh. “Đây là tuyến đê ngăn nước lũ hàng năm được chính quyền và nhân dân địa phương tu bổ khá vững chắc”- ông Kim nói.

Để hạn chế nước lũ tràn vào khu dân cư, xã trích khoản kinh phí hơn 42 triệu đồng để thuê phương tiện gia cố lại đoạn đê dài hơn 10m. Còn hơn 30m đê được người dân gia cố trong ngày 8-11.

* Đến chiều 8-11, tại Quảng Ngãi có 2 người chết do mưa lũ. Đó là anh Nguyễn Trung Nhân (41 tuổi, ở thôn Trúc Lâm, xã Hành Nhân - Nghĩa Hành). Anh Nhân đi xe máy qua bờ tràn sông Phước Giang, xã Hành Dũng thì bị nước lũ cuốn trôi cả người và xe máy đến nay chưa tìm được thi thể.

Thuyền trưởng tàu cá QNg 94942 TS là anh Võ Hữu Hòa (36 tuổi, ở xã Phổ Thạnh - Đức Phổ) bị tử nạn do ngạt nước vì tàu bị lốc dữ đánh chìm tại cửa biển Đà Nẵng lúc 4 giờ sáng 8-11. Các thuyền viên còn lại được tàu của ông Võ Thận ở cùng quê đến cứu vớt đưa Đà Nẵng chiều 8-11.

Cùng thời gian này, tàu cá QNg 98225 TS của ông Phan Văn Nông ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng bị sóng lớn đánh chìm khi đang trên đường chạy vào cửa biển Đà Nẵng. 3 ngư dân được tàu cá QNg 44229 TS được cứu kịp thời.

* Ngày 8-11, ở Bình Định mưa đã tạnh nhưng nước từ thượng nguồn đổ dồn về khiến vùng hạ lưu bị ngập sâu trong lũ. Hàng ngàn hộ dân bị lũ bao vây, việc đi lại trên các tuyến tỉnh lộ DT640, 636A, 636B bị tê liệt hoàn toàn. Đã có 2 người chết trong lũ.

Có gần 10.000 công nhân ở các địa phương trên không đến các khu công nghiệp làm việc được.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.