Nhiều người bám trụ Hoàng Sa

Nhiều người bám trụ Hoàng Sa
TP - Đà Nẵng và Quảng Ngãi thường xuyên có lượng tàu đánh bắt xa bờ tập trung nhiều ở ngư trường Hoàng Sa. Chưa kịp hết choáng trước cơn sốt phi mã của giá dầu, ngư cụ…, ngư dân lại bắt đầu thấp thỏm trước đợt cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc.

Ngư dân trước lệnh cấm ở Biển Đông:

Nhiều người bám trụ Hoàng Sa

Tàu cá Quảng Ngãi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa Ảnh: Nam Cường
Tàu cá Quảng Ngãi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa Ảnh: Nam Cường.

Người ngại, người đi

"Đợt này, Đồn biên phòng 248 tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho ngư dân các phường ven biển về chủ quyền biển đảo. Chủ trương bất di bất dịch vẫn là khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.", Thiếu tá Trần Hữu Thanh nói

Quán cà phê của anh Lê Nam từ dạo giá dầu tăng là nơi tập trung của cánh thuyền trưởng, chủ tàu. Nay, câu chuyện của họ lại lái sang nỗi lo khác: bị cấm biển. Thuyền trưởng có tiếng nhất của ngư dân Thanh Khê (Đà Nẵng) là Nguyễn Phú Hùng (tàu ĐNa 90307). Sau chuyến biển kéo dài cả tháng, anh Hùng hết cà phê, nhậu xong lại nằm dài.

Anh Hùng kể, đã mấy lần đánh liều chạy dọc các đảo ở Hoàng Sa đánh bắt, mấy lần vứt lưới bỏ chạy trước tàu kiểm ngư Trung Quốc.

“Mấy năm trước họ phá lưới, hất cá xuống biển. Nhưng bây giờ họ tịch thu cả. Chạy không kịp là trắng tay”.

Theo các ngư dân, mỗi khi bị bất ngờ ập tới kiểm tra, dù đang ở trong phạm vi chủ quyền vùng biển của Việt Nam, nhưng ngư dân bắt buộc phải vứt bỏ ngư cụ, chạy tháo thân.

Anh Phạm Văn Xinh - thuyền trưởng tàu ĐNa 90189 vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, mới chia xong tiền cho thuyền viên ngay tại âu thuyền Thọ Quang, dặn với theo: Nghỉ 5 ngày rồi quay lại, lần này đi Trường Sa nhé.

Hỏi vì sao thay đổi ngư trường khi vừa trúng đậm, anh Xinh nói: “Họ cấm biển chứ sao, làm ăn càng ngày càng khó. Một chuyến xui xẻo coi như cả năm ôm nợ. Ai cũng biết, xét về độ liều và kinh nghiệm bám biển, hai thuyền trưởng Hùng và Xinh luôn được ngư dân Đà Nẵng nể trọng. Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng còn chưa đầy trăm chiếc; trong đó, phần lớn đã thay đổi ngư trường, chọn Trường Sa làm điểm đến.

Ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Đức Phổ, Tư Nghĩa... (Quảng Ngãi) vốn coi Hoàng Sa như quê hương thứ hai. Dù năm nào cũng có lệnh cấm biển, chưa bao giờ ngư dân Quảng Ngãi có ý tưởng thay đổi. Nhưng lần này đã khác.

Anh Dương Văn Thọ (An Hải - Lý Sơn), lo lắng: “Ra Trường Sa bị bắt miết khổ lắm”. Anh Thọ từng bị tịch thu hết ngư cụ, bị bắt giữ ở Hoàng Sa cách đây 4 năm. Ngư dân Ngô Hữu (An Vĩnh - Lý Sơn), chủ tàu cá QNg 96050 cho biết, anh vừa xuống trạm biên phòng đăng ký nhân lực, phương tiện và ngư trường ra khơi. “Vẫn Hoàng Sa. May nhờ rủi chịu, không thể thay đổi được”, anh nói.

Tại cửa biển Nghĩa An (Tư Nghĩa), tháng trước tàu chật kín. Nhưng giờ đây, chỉ còn vài chiếc neo đậu. Phần lớn đã ra khơi đánh bắt ở Hoàng Sa. Ông Lê Quang Khâm - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho biết, bà con ngư dân không ngại ra Hoàng Sa, bởi đó là biển của mình và là nơi làm ăn có lãi nhất đối với họ.

BĐBP Đà Nẵng giữ vững sợi dây liên lạc giữa ngư dân
BĐBP Đà Nẵng giữ vững sợi dây liên lạc giữa ngư dân .

Phải khảng khái vì đó là chủ quyền

Đó là khẳng định của đại tá Ngô Duy Mười - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi khi nói về lệnh cấm vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có một số vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Thực tế nhiều năm nay lượng tàu ở Quảng Ngãi bị bắt ở Hoàng Sa không ít, song trường Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam, nên ngư dân không e ngại, vẫn đánh bắt hải sản, dù có lệnh cấm hay không.

Theo đại tá Mười, Biên phòng thường xuyên hướng dẫn cho ngư dân về cách thức ứng phó trên biển, hiên ngang, khảng khái đối đáp và khẳng định chủ quyền của mình. Không được e sợ điều gì, vì đó là biển của mình. “Nhưng điều đó có thể khiến họ làm tổn hại đến sức khỏe, tàu thuyền ngư cụ của dân ?”. “Thế nên chúng ta vừa khảng khái vừa khôn khéo. Quan trọng nhất là cấp có thẩm quyền tiếp tục có những động thái quyết liệt, cứng rắn hơn nữa. Ở cấp độ tham mưu, chúng tôi cũng luôn có ý kiến, văn bản đề nghị Tỉnh phải tham mưu cho cấp ngoại giao, Trung ương có ý kiến về vấn đề này. Phải làm sao cho ngư dân biết đâu là biển của mình, như thế họ mới vững tin” - ông Mười khẳng định.

Thiếu tá Trần Hữu Thanh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Thanh Khê - Đà Nẵng) cho biết: Nhiều năm nay, lính Biên phòng luôn trang bị kỹ càng cho người dân về kiến thức chủ quyền, đặc biệt trước những đợt cấm biển. “Trước đợt cấm này, chúng tôi chủ trương siết chặt quản lý, tuyên truyền đối với tàu đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, sợi dây liên lạc giữa ngư dân và Biên phòng tiếp tục được giữ vững và thường xuyên 24/24. Tôi quán triệt ngư dân, khi hoạt động trên biển, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa, có vấn đề gì phải cấp báo, không được chậm trễ” - thiếu tá Thanh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG