Nhiều manh mối mới vụ khủng bố ở Paris

Cảnh sát canh gác ở nhà ga Austerlitz tại Paris. Ảnh: Getty Images
Cảnh sát canh gác ở nhà ga Austerlitz tại Paris. Ảnh: Getty Images
TP - Nhiều súng AK47 hôm qua được tìm thấy trong một chiếc ô tô bị bỏ lại mà giới chức Pháp tin rằng một số kẻ tấn công đã sử dụng để tấn công rồi chạy trốn. Giới quan sát cho rằng, vụ tấn công cho thấy một lỗ hổng an ninh, tình báo lớn, mở ra thời kỳ đen tối không chỉ với Pháp, mà toàn bộ thế giới.

BBC dẫn các nguồn tin tư pháp nói rằng, chiếc xe Seat màu đen được tìm thấy ở vùng ngoại ô Montreuil phía đông Paris hôm 15/11. Nhiều khẩu AK47 bị bỏ lại trong xe. Cảnh sát cho rằng, chiếc xe này được các tay súng sử dụng để vãi đạn vào các nhà hàng hôm thứ Sáu tuần trước. Điều này có vẻ củng cố giả thuyết rằng, một số tay súng đã trốn thoát sau khi tấn công. Nhóm đi trên chiếc ô tô này có thể sau đó dùng một chiếc xe khác để sang Bỉ.

Trước đó, kẻ khủng bố đầu tiên được xác định là Ismail Mostefai, 29 tuổi. Đối tượng này được nhận dạng sau khi giới điều tra tìm thấy một ngón tay tại hiện trường vụ tấn công vào nhà hát Bataclan. Tên này đến từ thị trấn Courcouronnes, miền nam Paris, sống ở thành phố Chartres, cách Paris 100km về phía tây nam, cho đến năm 2012. Tên này thường xuyên đến một đền thờ Hồi giáo ở đó. Cơ quan an ninh cho rằng, Mostefai trở nên cực đoan từ năm 2010, nhưng chưa bao giờ liên quan đến chiến dịch điều tra chống khủng bố nào.

Các công tố viên Bỉ cho biết, một trong những kẻ tấn công sống ở Brussels và một kẻ khác sống ở thị trấn Molenbeek gần đó. Tính đến cuối tuần qua, tổng cộng 7 người đàn ông bị bắt. Công tố viên trưởng của Paris, ông Francois Molins, nói rằng, một chiếc Volkswagen Polo do một người Pháp thuê được tìm thấy gần khu vực nhà hát Bataclan - nơi 90 người bị bắn chết.

“Chúng tôi có thể nói trong thời điểm này rằng, nhiều khả năng có 3 nhóm khủng bố tấn công phối hợp để gây ra hành động man rợ này”, ông Molins nói. Giới chức Hy Lạp xác nhận cuốn hộ chiếu Syria được tìm thấy gần thi thể của một kẻ tấn công sân vận động Stade de France đã được dùng để đi qua đảo Leros của Hy Lạp vào tháng trước. Serbia nói rằng, người mang hộ chiếu này cũng đã qua biên giới Serbia - Macedonia và xin tị nạn tại một trong các trung tâm đăng ký của họ. Nhưng chưa thể xác nhận có mối liên hệ trực tiếp giữa người mang hộ chiếu với những kẻ tấn công.

Hôm qua, một lễ cầu nguyện dành cho 129 nạn nhân thiệt mạng và 350 người bị thương được tổ chức tại Nhà thờ lớn Notre Dame ở Paris. Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố, Pháp sẽ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria.

Lỗ hổng an ninh, tình báo

Giới quan sát cho rằng, nếu đúng IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công với mức độ lớn như vậy thì sẽ có những hệ quả vô cùng lớn với nước Pháp, châu Âu và thế giới. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng, trong lịch sử cận đại từ sau năm 1945, Pháp cũng như châu Âu chưa từng chứng kiến cuộc tấn công khủng bố tương tự: Lớn về quy mô, nhiều về thương vong, tinh vi về cách thức tổ chức, táo tợn và manh động về cách thức thực hiện.

Tuy nhiên, đối với các nhóm khủng bố, đây là sự “khích lệ” báo trước nguy cơ các các vụ khủng bố có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai. Đợt tấn công cho thấy các biện pháp mạnh tay chống khủng bố của Pháp, Liên minh châu Âu sau vụ Charlie Hebdo đã không phát huy tác dụng. Theo ông Tuấn, tình báo Pháp có một lỗ hổng lớn, còn các lực lượng khủng bố đã “chui sâu, leo cao” hoạt động quá tinh vi phức tạp. “Bom đã nổ trong “pháo đài” được canh phòng cẩn mật tại Paris thì không có lý gì mà nó sẽ không thể diễn ra tại các nơi khác ở châu Âu”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, các lực lượng chính trị, đảng phái mang tính dân tộc chủ nghĩa, tinh thần bài ngoại ở Pháp và châu Âu có thể sẽ lên ngôi, và những người nhập cư từ Trung Đông sẽ phải đối mặt thời kỳ vô cùng khó khăn phía trước, vì các biện pháp thắt chặt quản lý người nhập cư sẽ gia tăng. Pháp và châu Âu nhiều khả năng sẽ lún sâu vào khủng hoảng kinh tế vì tháng 11 và 12 là mùa mua sắm và đi lại lớn nhất trong năm và rất nhiều người châu Âu sẽ ngại đến các tụ điểm mua sắm, giải trí đông người, TS Tuấn nhận định.

MỚI - NÓNG