Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bình Dương đạt được kết quả trên nhờ chỉ đạo kịp thời từ Trung ương, sự đoàn kết, chia sẻ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Đợt dịch lần thứ 4 với biến thể lây nhanh khiến Bình Dương có đến 224.492 ca mắc COVID-19, làm 2.258 người tử vong. Tuy nhiên, nhờ hướng đi đúng trong điều trị F0, 219.473 bệnh nhân ở Bình Dương được xuất viện về nhà an toàn. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, cuộc sống người dân bị xáo trộn.
Mặt khác, cùng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc nhân sự chủ chốt của tỉnh Bình Dương có sự thay đổi, sắp xếp, kiện toàn gần như toàn bộ từ Bí thư, Chủ tịch, Chánh văn phòng cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7,23%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 6 đến tháng 9, Bình Dương bước vào giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị tạm ngưng hoặc hạn chế, nên các chỉ tiêu trong quý III đều sụt giảm và không đạt theo kế hoạch đề ra.
Các chỉ số đều đạt mức tăng trưởng dù Bình Dương phải đối mặt với biến động nhân sự và đại dịch COVID-19 |
Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo kịp thời từ Trung ương, sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà giúp Bình Dương sớm đi vào ổn định, kiểm soát dịch bệnh. Theo ông Thao, sau 9 tháng, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vẫn tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, Bình Dương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,9%; thu hút đầu tư trong nước đạt 65.107 tỷ đồng tăng 15,8% và thu hút nước ngoài đạt 1 tỷ 526 triệu đô la Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách 9 tháng đạt 48.300 tỷ đồng cao hơn mức bình quân của cả nước và tăng 11% so với cùng kỳ; hoạt động xuất, nhập khẩu đều tăng cao so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu tăng 26,7% và nhập khẩu tăng 34%).
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, thời gian tiếp theo, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không cát cứ, không cục bộ địa phương gây cản trở đến chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất.
Bình Dương sẽ kiện toàn, tập huấn, đào tạo và có chế độ chính sách cho thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn COVID-19, Trạm y tế lưu động. Cân nhắc việc xét nghiệm theo chỉ đạo của Trung ương, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; vận động người lao động quay lại làm việc.
Ngành chức năng của Bình Dương tích cực cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, duy trì tốt các hoạt động chăm lo an sinh xã hội; kiểm tra, quản lý nhà trọ để có giải pháp chỉnh trang, tổ chức lại nơi ở của người lao động.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người từ Bình Dương đi đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của tất cả các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và không yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm lại.
Ngược lại, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của người từ các tỉnh, thành phố khi đến Bình Dương, không yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 khi đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 đúng quy định (từ các cơ sở đủ điều kiện, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm có dấu mộc theo quy định hành chính).