Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về phụ cấp thâm niên giáo viên được tính theo công thức: Hệ số lương chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung x mức lương cơ sở x mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Theo đó, phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng nghĩa, giáo viên càng có nhiều năm trong nghề càng có mức phụ cấp thâm niên cao.
Tuy nhiên, trong đợt cải cách tiền lương thực thi ngày 1/7 tới đây, bên cạnh việc tiến hành thiết kế cơ cấu tiền lương mới, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên. Điều này khiến nhiều giáo viên cảm thấy tâm tư và buồn.
Giáo viên và học sinh điểm trường mầm non Cờ Lẳng (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Đỗ Hợp |
Đã có thâm niên 34 năm đứng trên bục giảng, Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, trường THCS Minh Khai (Hà Nội) trăn trở vô cùng về vấn đề bãi bỏ phụ cấp thâm niên.
Cô Dung chia sẻ, cô đã làm nghề giáo viên đã hơn 30 năm, đi dạy từ thuở lớp học còn mượn ở chùa làm phòng học hay nhà cấp 4 xập xệ cho tới hiện tại đã có cơ sở vật chất hiện đại. Đến nay, tôi dạy dỗ biết bao thế hệ học trò và giờ đứng trên cương vị quản lý, tôi cảm thấy xứng đáng khi nhận về khoản phụ cấp thâm niên.
'Phụ cấp thâm niên là 3.267.000 đồng. Đây là khoản khá lớn trong tổng tiền thu nhập của tôi. Nếu cắt bỏ phụ cấp thâm niên với tôi là một nỗi buồn lớn vì mất hẳn một phần thu nhập trong khi bao nhiêu năm đã cống hiến trong nghề”- cô Dung nói.
Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên dạy Hóa- Sinh (Hà Nội) chia sẻ, cô đã đi dạy 20 năm. Cô đã cố gắng với nghề để hưởng thêm một chút thu nhập mà sắp tới cắt bỏ thì giáo viên nào dạy lâu năm cũng sẽ buồn.
Cô Dung chia sẻ thêm, cô đi dạy từ ngày mức lương rất thấp chỉ vài trăm nghìn đồng/ tháng. Vì thế, nếu cắt bỏ phụ cấp thâm niên, thì người cống hiến nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm hơn không được đãi ngộ hơn các bạn mới vào.
“Giáo viên như bọn tôi ai cũng muốn giữ lại phụ cấp thâm niên. Tôi nghĩ, 20 năm đi dạy, khoản này chỉ ở mức 1,5 đến 1,6 triệu/ tháng nhưng là sự động viên khích lệ tinh thần cũng như đảm bảo thêm một phần thu nhập giúp giáo viên trụ lại với nghề”- cô Dung chia sẻ.
“Xin giữ lại, đừng cắt”
Với giáo viên ở điểm trường Cờ Lẳng (xã Xín Cái, Huyện Mèo Vạc, Hà Giang), cũng tỏ ra trăn trở.
“Tôi làm giáo viên được gần 17 năm. Tôi cũng không biết tính toán cụ thể tôi được thêm bao nhiêu tiền hàng tháng. Nhưng tôi tin chủ trương của Chính phủ cũng sẽ không để giáo viên thiệt”- cô An, giáo viên ở điểm trường Cờ Lẳng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ, bản thân cô cũng đã có hơn 20 năm trong nghề. Nay chính sách tiền lương chuyển hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng 3 lên hạng 2, nhiều giáo viên như tôi bị xếp chung "1 rọ" với các em trẻ mới vào nghề. Có bạn trẻ được sang ngang 3 bậc lương tương đương với 9 năm công tác (từ 3,03=>4,0; từ 3,99=>4,0). Như vậy, giáo viên lâu năm rất thiệt thòi. Nếu bây giờ bị cắt thâm niên thì đúng là một sự đánh đồng”- cô Thịnh chia sẻ.
“Tôi đề xuất, khi xét hồ sơ thăng hạng cho giáo viên cần xét đến tiêu chí là giáo viên dạy giỏi đạt giải từ cấp huyện trở lên (trước là cấp trường); tham gia thực hiện các chuyên đề chuyên môn cấp cụm, huyện trở lên, có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận phạm vi ảnh hưởng từ cấp huyện trở lên (các tiêu chí này chỉ xét trong 9 năm gần nhất)”- cô Thịnh chia sẻ
Giáo viên này cũng cho rằng, phụ cấp thâm niên nên giữ lại để động viên những lớp nhà giáo đã cống hiến lâu năm cho ngành khi mà lương giáo viên còn thấp so với các ngành khác.