Giáo viên hoang mang với quy định phụ cấp thâm niên

Giáo viên chưa yên tâm đứng lớp khi thu nhập có thể bị giảm. Ảnh: Thế Đại
Giáo viên chưa yên tâm đứng lớp khi thu nhập có thể bị giảm. Ảnh: Thế Đại
TP - Luật Giáo dục 2019 (hiệu lực từ 1/7/2020) không còn quy định giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên như trước đây. Mất đi một khoản thu nhập đáng kể trong khi chưa có thông tin rõ ràng liên quan mức thu nhập mới đã khiến rất nhiều giáo viên băn khoăn lo lắng, nhất là thời gian qua, một số địa phương đã dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên từ tháng 7. 

Cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên giảng dạy tại một trường THPT ở TPHCM cho biết, đầu tháng 7, cô nhận được thông báo sẽ ngừng chi trả phụ cấp thâm niên. Theo tính toán của cô, mỗi tháng, thu nhập của cô bị hụt tiền triệu. Mới đây cô nhận được thông báo của Sở GD&ĐT TPHCM thông báo phụ cấp thâm niên tiếp tục được tính như trước đây cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới. Vì thế phụ cấp thâm niên tháng 7 của giáo viên tại TPHCM sẽ được truy lĩnh.

Theo tìm hiểu, từ đầu tháng 7, có ít nhất 7 địa phương thông báo dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Hầu hết giáo viên cho biết, thu nhập của nhà giáo vốn đã thấp, lương mới chưa thực hiện thì bị ngưng phụ cấp thâm niên nên cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Trả lời báo chí, ông Bùi Nguyễn Huy Phong, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Sóc Trăng thông tin, Sở chờ chỉ đạo của UBND tỉnh nên tạm thời các đơn vị chưa chi trả phụ cấp thâm niên từ tháng 7. Đại diện  UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, do quy định về lương mới nên trước mắt, các trường dừng chi trả phụ cấp thâm niên. Khi nào có hướng dẫn, nếu vẫn có phụ cấp thâm niên sẽ chi trả, truy lĩnh cho nhà giáo.

Không chỉ giáo viên, hiện các địa phương, trường học cũng đang “rối” về việc có duy trì phụ cấp thâm niên cho nhà giáo hay không.

Ngóng chính sách mới

Nhiều thầy cô giáo cho hay, thông tin về việc Chính phủ sẽ có cơ chế mới dành cho giáo viên khiến họ cũng băn khoăn vì không hiểu cơ chế mới sẽ như thế nào.

Lãnh đạo một số phòng giáo dục cho biết, sẽ rất thiệt thòi cho giáo viên khi không còn phụ cấp thâm niên. Bởi thực tế, khi xây dựng chế độ lương, Bộ Nội vụ quy định ngành nào cũng có hệ số như nhau. Do đó, họ đề xuất nên giữ thâm niên cho nhà giáo. Dự kiến, mức lương được tính theo vị trí việc làm. Điều mà đội ngũ nhà giáo muốn là có sự minh bạch, rõ ràng về thu nhập khi thực hiện chính sách mới. Theo Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục (Bộ GD&ĐT) nếu theo Nghị quyết 27 của Đảng, chế độ tiền lương mới sẽ thực hiện từ 1/7/2020. Do đó, khi xây dựng Luật Giáo dục 2019 đã lấy mốc này áp dụng để chuyển tiếp phù hợp với Nghị quyết 27.

Song, hiện tại, thời gian áp dụng chế độ tiền lương mới bị lùi so với kế hoạch ban đầu.

Hơn nữa, phụ cấp thâm niên không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục 2019 mà còn theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ. Do Luật Giáo dục 2019 không quy định cụ thể, không nói là bỏ phụ cấp thâm niên, nên Bộ GD&ĐT đã có công văn trao đổi với Bộ Nội vụ và báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến cho vẫn tiếp tục thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên cho đến khi có chính sách tiền lương mới. Chính sách tiền lương mới theo lộ trình dự kiến thực hiện vào 1/7/2022.

Như vậy, các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Đại diện Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục cũng cho biết, một số địa phương đã tạm dừng và giữ lại phần phụ cấp thâm niên cho giáo viên để “chờ” khi có chính sách tiền lương mới thì phát sau.

“Các địa phương sẽ không cắt đi khoản đó của giáo viên đâu mà chỉ tạm giữ lại. Tạm dừng chi khác với cắt hẳn. Tức là nếu Thủ tướng thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐTthì giáo viên sẽ được truy lĩnh lại”, đại diện Cục Nhà giáo cho hay.           

Theo quy định, từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực,  giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nhà nước cũng quy định áp dụng một số chính sách mới về tiền lương, trợ cấp khác cho đối tượng là giáo viên như thực hiện xây dựng thang bảng lương mới bằng số tiền cụ thể, bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay; được ưu tiên hưởng tiền đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ; đựợc xếp lương theo vị trí việc làm phù hợp và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, đối với các giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, công tác tại các trường chuyên biệt, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật,…cũng sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi và chế độ phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.