Bỏ phụ cấp thâm niên, giáo viên lo giảm thu nhập

Giáo viên lo lắng khi bị cắt phụ cấp thâm niên Ảnh: Diệp An
Giáo viên lo lắng khi bị cắt phụ cấp thâm niên Ảnh: Diệp An
TP - Luật Giáo dụ‌c 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên. Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông khiến giáo viên lo lắng thu nhập bị giảm.

Từ ngày 1/7, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Như vậy, kể từ 1/7 đội ngũ giáo viên không thuộc diện đặc thù trên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố các dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông. 

Cô Trịnh Thu Hương, giáo viên dạy môn phụ tại một trường tiểu học của Hà Nội cho biết, 11 năm biên chế ngành giáo dục, phụ cấp thâm niên của cô là 11%.  Tốt nghiệp bằng ĐH nhưng khi vào biên chế, lương của cô được tính ở bậc trung cấp. Theo cô Hương, nếu dựa vào dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học như Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến thì cô đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng III (xét về tiêu chuẩn bằng cấp). Còn như hiện nay, cô vẫn ở hạng IV dù đã đi làm 11 năm. 

Cô Hương đánh giá hệ số lương cho giáo viên hạng I ở các cấp học trong dự thảo thấy rất lý tưởng bởi hệ số kịch khung lên đến hệ số 6,78; trong khi hàng chục năm qua giáo viên các cấp học được xếp kịch khung là hệ số 4,98. Nhưng để được giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I và được xếp lương ở hệ số 6,78 vẫn là giấc mơ của đa số giáo viên. Bởi quy định bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn. Cụ thể, phải tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học; tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn; tham gia đoàn đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên…

Chiều 2/7, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tại thời điểm này, lương của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP  của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Dự thảo các Thông tư nói trên căn cứ vào trình độ đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để áp dụng bảng lương theo Nghị định này.

Với giáo viên đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương vẫn được giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương đang hưởng; đồng thời, sẽ được hưởng mức trần của hệ số lương cao hơn, phù hợp với trình độ đào tạo của giáo viên.

Mặt khác, các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Như vậy, theo đại diện Cục Nhà giáo không có chuyện khi xếp lương giáo viên theo thông tư mới, lương giáo viên sẽ bị giảm.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu dựa vào hai văn bản: Luật Giáo dục 2019 và dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học cơ sở công lập, lương không giảm nhưng bị cắt thâm niên nên thu nhập sẽ giảm. 

Tuy nhiên, đại diện Cục Nhà giáo khẳng định, chính sách tiền lương đối với nhà giáo là một chính sách đặc biệt quan trọng, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình. 

Theo đó, chính sách tiền lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo.

“Lương mới của nhà giáo (bao gồm lương và phụ cấp ưu đãi nghề) sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay”, đại diện Cục Nhà giáo cho hay.

Chiều 2/7, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tại thời điểm này, lương của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP  của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Dự thảo các Thông tư nói trên căn cứ vào trình độ đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để áp dụng bảng lương theo Nghị định này.

MỚI - NÓNG