Một trong những dự án nhằm giải quyết bức xúc về giao thông tại quận trung tâm Ninh Kiều là dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm. Dự án được phê duyệt từ cuối năm 2021, tổng mức đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng.
Tháng 2/2022, UBND TP giao UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư. Từ đó đến cuối năm 2022, UBND quận Ninh Kiều thực hiện các thủ tục liên quan như phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chi phí chuẩn bị; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi…
Nút giao Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, một trong 5 nút giao trọng điểm của Cần Thơ. ẢNH: CẢNH KỲ |
Tháng 6/2022, phương án xây cầu vượt cũng đã được đề cập. Theo đó, trong 5 nút giao, sẽ ưu tiên giải quyết xây trước ở hai nút là Mậu Thân - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều vẫn đang xin ý kiến về xác định phương án thực hiện là mở rộng nút giao theo quy mô được duyệt hay chỉ mở rộng lòng đường; vỉa hè chỉ mở rộng đủ để bố trí hạ tầng kỹ thuật.
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết, hiện mỗi năm có trên dưới 8.000 tỷ đồng đầu tư công, nhưng con số này cần phải hàng chục nghìn tỷ thì TP mới phát triển. “TP mong muốn có nhiều tiền, thu ngân sách ngày càng nhiều, nhưng mới có bấy nhiêu mà giải ngân không được thì nhiều hơn nữa làm ra sao. Tôi đề nghị UBND TP giao trách nhiệm, quy định rõ ràng đối với các chủ đầu tư, các chủ đầu tư chậm giải ngân tự ngồi lại kiểm điểm mình. Có gì khó khăn thì báo cáo, còn thấy năng lực mình không đảm đương được thì xin làm chức nhỏ hơn, sòng phẳng như vậy, chứ còn làm chậm hoài sao được... TP có 10 cây số mà làm chậm, người ta hơn 60 cây số mà làm nhanh hơn, các đồng chí có thấy hổ thẹn không, thấy có xốn xang không” – Chủ tịch HĐND TP nói.
Theo đại diện UBND quận Ninh Kiều, sau khi lập dự án, kiểm đếm cụ thể thì diện tích thu hồi tăng lên và giá thu hồi có chênh lệch. Vì vậy tổng mức đầu tư tăng cao hơn so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Do vậy, hiện có hai phương án, một là làm trong số tiền đã được phê duyệt thì không phù hợp kỹ thuật, nút giao nhỏ lại; hai là làm đúng kỹ thuật nhưng số vốn tăng lên…
Tại cuộc họp về các dự án trọng điểm trên địa bàn TP mới đây, ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho rằng, dự án đã khảo sát, đã có chủ trương nhưng đến nay vẫn còn bàn chọn phương án nào là rất chậm.
“Có đi hằng ngày trên các tuyến đường đến 5 nút giao mới thấy, xe đi cà nhích, xe máy chạy lên lề... Mà giờ này chưa làm gì thì không biết bao giờ mới cải thiện được tình hình” - ông Hải nói.
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn qua TP Cần Thơ (dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang) có chiều dài tuyến cao tốc qua địa bàn TP là 0,6km và tuyến nối là 9,2km.
Dự án đã bị đội vốn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn gấp đôi so với phê duyệt ban đầu. Từ 500 tỷ đồng, hiện đơn vị thực hiện (quận Cái Răng) xin chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) xem xét điều chỉnh lên thành 1.124 tỷ đồng.
Đây cũng là một trong những nội dung mà Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh giao cho các đơn vị phải giải quyết xong trước ngày 10/2/2023.
“Kiểm đếm có 500 tỷ, làm một hồi lên 1.124 tỷ… Đề nghị đồng chí Hè (Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP - PV) chỉ đạo quận Cái Răng và Sở GTVT chốt lại, phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận duyệt việc tăng tổng mức giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc phía Đông trên địa bàn quận Cái Răng. Việc này đến ngày 10/2 là quá trễ, sớm hơn ngày nào tốt ngày đấy” - ông Mạnh chỉ đạo.