Nhiều dự án bất động sản ‘đắp chiếu’ nay rầm rộ bán trở lại

TPO - Sau một thời gian dài “đắp chiếu”, một số dự án bất động sản bán trở lại. Theo đó, có những dự án bán cao gấp ba giá ban đầu.

Dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội) do Công ty TNHH đầu tư bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư mở bán vào năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Thế nhưng, dự án thi công dừng ở tầng 5 cho đến nay.

Thời gian gần đây, dự án được quảng bá rầm rộ bán trở lại. Theo đó, giá bán lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2.

Trước đó, dự án từng gây được sự chú ý lớn trên thị trường với chính sách chiết khấu cao lên đến 38% giá trị căn hộ nếu khách hàng thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ bằng tiền tự có. Theo mức chiết khấu, vào thời điểm đó giá một căn hộ tại dự án nằm trong khoảng 1,5-3,2 tỷ đồng, tương đương khoảng 25-28 triệu đồng/m2.

Mới đây, vào đầu tháng 8, Công ty Cổ phần trường học Quang Minh, chủ đầu tư dự án QMS Top Tower (tọa lạc tại nút giao Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Hà Nội) cũng thông tin bán dự án trở lại. Dự án này đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018, dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi cất nóc vào tháng 4.2020, dự án bất ngờ dừng thi công và “đắp chiếu” từ đó cho đến nay. Dự án cũng có giá bán trở lại lên tới 80 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án bất động sản ‘đắp chiếu’ nay rầm rộ bán trở lại ảnh 1

Dự án QMS sau 4 năm "đắp chiếu" bán trở lại.

Tại thị trường phía Nam, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecity Tân Đức cũng đang có những động thái rục rịch chuẩn bị cho việc tái khởi động dự án này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa tổ chức, ban lãnh đạo CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cho biết, vừa được gia hạn 12 tháng để thực hiện Khu đô thị Ecity Tân Đức chậm triển khai từ 2008.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, việc gia hạn chỉ nhằm mục đích khắc phục các vướng mắc khó khăn và tiến hành đầu tư hạ tầng, còn để hoàn thiện toàn bộ theo quy hoạch thì phải mất ít nhất 3 - 5 năm. Trong 2024, công ty sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn vay ngân hàng hoặc bằng việc hợp tác với nhà đầu tư thứ cấp để phát triển dự án nhằm thu hồi nguồn vốn nhanh.

Đáng chú ý, thông tin dự án Cocobay Đà Nẵng chuẩn bị tái khởi động hồi tháng 5 vừa qua đang gây xôn xao giới đầu tư địa ốc.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư dự án đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng Đà Nẵng về thời gian triển khai siêu dự án Cocobay Đà Nẵng. Trong đó dự kiến sẽ tái khởi động dự án này trong tháng 5.2024.

Theo kế hoạch, tại phân khu HH6 gồm biệt thự đơn 2-3 tầng dự kiến hoàn thành trong tháng 3.2025; phân khu HH2 dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6.2025. Các phân khu còn lại sẽ hoàn thành vào năm 2026 - 2028.

Các dự án đắp chiếu ra bán trở lại trong bối cảnh giá chung cư ngày một leo thang. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù giá nhà đang ở mức cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên được Bộ Xây dựng nhận định là giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giúp nhiều dự án sớm được gỡ vướng để được triển khai, hoàn thành. Từ đó nguồn cung cho thị trường sẽ gia tăng, góp phần làm giảm áp lực về cung - cầu hiện nay. Giá nhà sẽ giảm dần xuống mức hợp lý, phù hợp hơn với thu nhập người dân.

Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hơn thì chi phí để phát triển dự án cũng có cơ hội giảm xuống nhờ quy trình hoàn hiện pháp lý rút ngắn. Giá bán sản phẩm có cơ hội được điều chỉnh.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group, nhận định nguồn cung ở Hà Nội sắp tới vô cùng lớn. Từ cuối năm 2025, quỹ nhà ở xã hội bắt đầu có, khoảng 4.000 căn trải dài các quận thuộc khoảng 10 dự án. Giai đoạn 2027-2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư. Hiện tại chỉ có người mua chung cư để ở còn nhà đầu tư đã chuyển hướng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.