Sở Công Thương Cần Thơ cho hay, về tình hình khôi phục hoạt động sản xuất (HĐSX) của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tính đến chiều 11/11, thành phố có 982/1168 DN (tương đương 84,08%) đã hoạt động trở lại; còn 186 DN (tương đương 15,92%) chưa xây dựng kế hoạch tái HĐSX.
So với thời điểm giữa tháng 10/2021, số DN trở lại hoạt động trên địa bàn đã tăng hơn 670 DN.
Số lao động đang làm việc trong các DN là 51.814 lao động (tương đương 65,83%); số lao động đang tạm nghỉ là 26.896 lao động (34,17%). Trong đó, đối với 170 DN trong khu công nghiệp (KCN) thì có 122 DN đang hoạt động, chiếm 71,76%; còn 48 DN (28,24%) chưa xây dựng kế hoạch tái HĐSX.
Đối với DN ngoài KCN, hiện có 860/998 DN đang hoạt động (chiếm 86,17%) với tổng số lao động là 22.114/33.029 lao động (chiếm 66,95%). Trong đó, đối với DN 100 lao động, có 31/32 DN đang hoạt động, 1/32 DN chưa xây dựng kế hoạch tái HĐSX. Với DN dưới 100 lao động, hiện có 829/966 DN đang hoạt động, còn 137 DN chưa xây dựng kế hoạch tái HĐSX.
Thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của thành phố tương đương với cấp độ 3 và hướng dẫn của Sở Công Thương trong HĐSX, các DN, cơ sở khi hoạt động trở lại phải gửi thông báo hoạt động và cam kết, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại cơ sở kèm theo kế hoạch phòng chống dịch đến cơ quan có thẩm quyền theo dõi.
Hiện nay một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng giá (xăng, dầu…) ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất của DN. Ảnh: CK |
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Cần Thơ, có rất ít DN, cơ sở gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo dõi, do đó cơ quan quản lý gặp khó trong việc theo dõi, quản lý, hiện nay số liệu báo cáo do các địa phương nắm tình hình địa bàn.
Theo hướng dẫn tạm thời, các DN, cơ sở khi hoạt động bình thường người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19 được tối thiểu 14 ngày hoặc người được xác nhận đã điều trị khỏi SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng.
Các lao động tại DN, cơ sở đã được tiêm vắc xin mũi 1 đạt tỷ lệ trên 90%. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vắc xin Sinopharm cho người dân vào ngày 13-17/10/2021 nên chưa đủ số ngày tối thiểu để mở cửa lại hoạt động.
Một số ít lao động tại các DN có bệnh nền nên chưa đồng ý tiêm vắc xin Sinopharm. Một số ít DN có người lao động ở các tỉnh khi trở về địa phương đến nay chưa được tiêm vắc xin nên chưa thể quay lại sản xuất.
Các DN nhận thấy vẫn cần phải duy trì công tác tổ chức xét nghiệm COVID-19 định kỳ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động. Tuy nhiên, do DN phải thực hiện việc xét nghiệm nhanh COVID-19 từ đầu tháng 7/2021 đến nay nên chi phí phát sinh lớn.
Ngoài ra, hiện nay một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng giá (xăng, dầu…) ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất của DN...
Thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ cho DN khôi phục sản xuất (thuế, lãi suất ngân hàng, điện…).
Tham mưu triển khai kế hoạch kiểm tra DN thực hiện phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly”; kiên quyết tạm dừng ngay HĐSX, kinh doanh đối với các DN thuộc thẩm quyền quản lý nếu không đảm bảo các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Hồi đầu tháng 10/2021, UBND TP Cần Thơ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, do ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN và người dân; đề xuất với UBND TP phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ cũng đã công khai số điện thoại đường dây nóng trong tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của DN và nhà đầu tư.
Theo đó, số điện thoại đường dây nóng của UBND TP Cần Thơ là 0888.773.666; hoạt động liên tục 24/7.