Theo thông báo của CASUCO, giá mua mía nguyên liệu là 1.180 đồng/kg (đối với mía 10 chữ đường CCS) tại cầu cảng nhà máy đường Phụng Hiệp (TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Mức giá này đã tăng 250 đồng/kg so với giá thu mua của công ty ở vụ mía trước.
Đối với mía có chữ đường lớn hơn 10 CCS, công ty sẽ tăng giá thêm 10 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS. Ngược lại, mía có chữ đường nhỏ hơn 10 CCS sẽ giảm 10 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS.
Về đối tượng, CASUCO sẽ thu mua mía của tất cả các hộ trồng mía có ký hợp đồng đầu tư mua bán mía nguyên liệu với CASUCO trong vùng nguyên liệu của tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang; các hộ trồng mía ngoài hợp đồng đầu tư (không thuộc vùng mía, địa bàn đầu tư nguyên liệu của công ty khác) có nhu cầu bán mía nguyên liệu cho CASUCO.
Hiện nhà máy đường Phụng Hiệp đang gấp rút hoàn tất những công việc cuối cùng về sửa chữa trang thiết bị để vận hành ép mía vào cuối tháng 11 này. |
Thông tin với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Tuấn – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (địa bàn có diện tích mía nhiều nhất ở Hậu Giang - PV) cho biết, vụ mía 2021-2022 địa bàn huyện có hơn 4.700ha (toàn tỉnh Hậu Giang là 5.040ha), đến nay đã thu hoạch hơn 1.500ha (chủ yếu bán làm nước giải khát).
Theo ông Tuấn, giá thu mua mía được CASUCO công bố như trên đã cao hơn vụ mía trước và người trồng mía đã có lãi, quan trọng hơn là công ty chịu mua mía cho bà con ngoài hợp đồng bao tiêu vì số diện tích này lớn đang cần đầu ra…
Những năm gần đây, ngành sản xuất mía đường ở Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung gặp vô vàn khó khăn, đa phần nhà máy đường đã đóng cửa, người dân dần bỏ mía.
Hậu Giang là địa phương trồng mía hàng đầu trong khu vực, cây mía đã từng là cây thoát nghèo của địa phương với diện tích có thời điểm tới 15.000ha. Tuy nhiên, hiện nay trong 3 nhà máy đường tại Hậu Giang chỉ còn 1 nhà máy hoạt động, cây mía cũng không còn nằm trong danh sách cây trồng chủ lực của tỉnh…
Ngành sản xuất mía đường ở Hậu Giang và ĐBSCL những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Theo CASUCO, vụ mía 2022-2023, công ty phát triển vùng mía nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, với diện tích 2.000ha, năng suất 100 tấn/ha, sản lượng 200.000 tấn, chất lượng chữ đường đạt từ 10 CCS trở lên.
Công ty sẽ hợp đồng với các cá nhân và tổ chức trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (huyện Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy, TP Vị Thanh), tỉnh Kiên Giang (huyện Gò Quao, huyện U Minh Thượng) thực hiện trồng mới, trồng lại hoặc lưu gốc mía nguyên liệu cho vụ 2022-2023.
Về chính sách hỗ trợ, công ty hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho các khoản vay đầu tư trồng, chăm sóc mía. Công ty cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đội công và ghe vận chuyển khi các hộ trồng mía có nhu cầu…
CASUCO từng tính chuyện tạm dừng nhà máy
Hồi tháng 8/2021, HĐQT CASUCO có tờ trình gửi đại hội cổ đông bất thường của công ty xem xét, thông qua việc tạm dừng vụ sản xuất 2021-2022 tại nhà máy đường (NMĐ) Phụng Hiệp và thực hiện phương án sắp xếp chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động tại công ty do thu hẹp sản xuất.
Không đồng ý với phương án trên, 39 cổ đông của CASUCO đã có văn bản kiến nghị khẩn gửi HĐQT CASUCO. Các cổ đông này cho biết, năm nay mía của nông dân không tiêu thụ được do tình hình dịch bệnh COVID-19.
Việc tạm dừng nhà máy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nông dân, những người đã gắn bó với cây mía, với CASUCO hơn 20 năm qua. Không những thế, công ty và cổ đông cũng sẽ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vĩnh viễn do nông dân mất niềm tin..., xóa sổ ngành mía đường của Hậu Giang.
HĐQT CASUCO sau đó họp và thống nhất đưa NMĐ Phụng Hiệp vào vụ sản xuất để ép mía niên vụ 2021-2022, đồng thời cam kết thu mua hết mía cho nông dân.