Nhiều điều cấm trong dự thảo Luật Điện ảnh 'khá mơ hồ'

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định)
TPO - Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Điện ảnh sửa đổi, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), dự luật có đến 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Điều đáng nói, nhiều điểm cấm trong dự thảo lại khá mơ hồ với tầm bao quát rộng mà khi áp dụng chắc chắn sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn ngay từ khi những xúc cảm đầu tiên được khởi sự.

Chiều 28/10, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá, lần đầu tiên, dự án đưa ra khái niệm “công nghiệp điện ảnh”, trong đó có đề cập đến “thị trường điện ảnh”. Đây sẽ là nền tảng quan trọng xây dựng nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam.

Tuy nhiên theo đại biểu, đưa khái niệm vào Luật, cần phải có những quy định tương ứng và cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh trong một thị trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội một cách công khai theo các cam kết quốc tế.

Đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị bên cạnh cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư, cần quan tâm hơn đến cơ chế Nhà nước đặt hàng, cơ chế “thu mua sản phẩm”. “Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim đầu tiên do Nhà nước đặt hàng, do hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất, đã lập kỷ lục doanh thu 80 tỷ đồng trong 1 tháng là một minh chứng cho tiềm năng phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, đại biểu cho hay.

Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10), đại biểu nhất trí luật cần cấm những hành vi kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh lời thoại trong phim, nhưng phải trừ những trường các nội dung đó thể hiện không quá phản cảm, nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu.

“Một vấn đề mà tôi đề nghị lưu ý, quan tâm, đó là cần hạn chế đến mức thấp nhất những hình ảnh thể hiện nhân vật là người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí là “soái ca” trên màn ảnh là thần tượng của nhiều thanh thiếu niên thể hiện những cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim, gây cách hiểu lệch lạc trong thanh thiếu niên, gián tiếp cổ súy cho việc hút thuốc, uống rượu”, bà Hoa nhấn mạnh.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), dự luật có đến 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Điều đáng nói, nhiều điểm cấm trong dự thảo lại khá mơ hồ với tầm bao quát rộng mà khi áp dụng chắc chắn sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn ngay từ khi những xúc cảm đầu tiên được khởi sự.

Ông Nhân cũng đặt vấn đề, như thế nào là “làm tổn hại đến các giá trị văn hóa”, “truyền bá tệ nạn xã hội”, “phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội…” cũng cần phải được minh định, tránh cảm tính, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi cầm cân nảy mực trong các khâu xét duyệt.

“Ngay cả New York nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng, trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này”, ông Nhân viện dẫn.

Đại biểu cho rằng, dường như “sợi dây kiểm duyệt đang bị kéo căng” giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh, tiếng nói giữa hai chủ thể dường như chưa tìm được điểm tiệm cận mà hệ quả của nó là một nền điện ảnh đến nay vẫn chưa thể rời xa vạch xuất phát, đánh mất đi cơ hội thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần của công chúng, hòa nhập sâu sắc văn hóa thế giới. Do vậy, điện ảnh Việt Nam rất cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm.

MỚI - NÓNG