Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động Việt Nam sang Nhật làm việc. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, theo các chuyên gia, lao động Việt phải nâng cao trình độ tay nghề, vốn tiếng Nhật và vượt qua không ít điều kiện khắt khe.
Cơ hội lớn
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- thương binh và xã hội), tính đến nay, các công ty phái cử của Việt Nam đã đưa hơn 200 nghìn thực tập sinh (TTS) sang Nhật làm việc, vượt qua Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu về số lượng TTS đang làm việc ở Nhật.
Chương trình “lao động kỹ năng đặc định” được Chính phủ Nhật thông qua hồi tháng 12/2018 cho phép nước này tiếp nhận ít nhất 345 nghìn lao động nước ngoài thuộc 14 lĩnh vực với hệ thống thị thực mới bao gồm nông nghiệp, điều dưỡng, chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, đóng tàu, khách sạn, nhà hàng, đánh cá, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, điện điện tử, kỹ thuật ô tô, hàng không, gia công nguyên liệu.
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, với chương trình mới này những thực tập sinh (TTS) Việt Nam chuẩn bị kết thúc kỳ làm việc 3 năm đã có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, học tập tiếng Nhật, nâng cao tay nghề sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia chương trình kỹ năng đặc định liên tục trong 5 năm. Thậm chí, những ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng và trình độ tiếng Nhật cũng có thể tham gia.
“Chương trình này sẽ tạo điều kiện cho hàng nghìn TTS Việt Nam trở lại làm việc ở Nhật Bản với các điều kiện tốt hơn. Đồng thời, hạn chế được các tổ chức không có chức năng, nhưng lợi dụng hình thức du học để “trá hình” đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản”, ông Nam cho hay.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với diện kỹ năng đặc định, người lao động sẽ hưởng lương cao hơn so với thực tập sinh kỹ năng (25-32 triệu đồng/tháng), và tương đương với người Nhật cùng trình độ trong ngành nghề đó. Ngoài ra, tùy vào địa điểm làm việc, vị trí công việc…người lao động sẽ có mức lương cơ bản khác nhau. Ông Nguyễn Như Luận, đại diện Cty cổ phần đầu tư Việt Phú cho biết, tuy chương trình kỹ năng đặc định chỉ mới có hiệu lực, nhưng đã có nhiều TTS bày tỏ mong muốn tham gia.
“Nhiều bạn sau khi sang Nhật làm việc 1- 2 lần, có vốn tiếng Nhật và tay nghề nên tham gia để kiếm thu nhập cao. Các công ty phái cử, phải chuyên nghiệp và quan tâm các TTS hơn, vận động họ không vi phạm các quy định pháp luật của Nhật”, ông Luận nói.
Yêu cầu khắt khe
Chương trình “lao động kỹ năng đặc định” được đánh giá mở ra cơ hội lớn cho các TTS Việt Nam. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người lao động đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như phải vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật và chuyên môn tay nghề. Bên cạnh đó, TTS không được vi phạm các quy định từ phía Nhật Bản.
Nguyễn Thế Anh (27 tuổi, Bắc Giang), một TTS đang làm việc tại Nhật cho rằng, để đáp ứng được các tiêu chí không dễ. Nguyên nhân là do nhiều TTS khi làm việc tại Nhật bị một số công ty phái cử thu phí cao nên thường bỏ ra ngoài làm việc. Bên cạnh đó, do nôn nóng kiếm tiền nên nhiều TTS bỏ qua việc học tiếng và chỉ chú tâm vào tay nghề.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nói, hiện có khoảng 20% TTS chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tiếng Nhật. Do đó, những cơ hội từ chương trình kỹ năng đặc định sẽ chỉ dành cho những TTS trẻ, năng động, có trình độ chuyên môn tốt. Bên cạnh đó, chương trình chưa có lộ trình xuất cảnh nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa triển khai được.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng TTS “đứng núi này trông núi nọ”, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội nên đề xuất phía Nhật đóng đầy đủ các khoản trợ cấp, bảo hiểm cho TTS như người lao động Nhật.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chương trình “lao động kỹ năng đặc định” được phía Nhật đặc biệt quan tâm nên mặc dù có hiệu lực nhưng các điều khoản và tiêu chí cụ thể vẫn đang được hai bên thảo luận.
“Hai bên còn phải thống nhất, một năm thi bao nhiêu lần, đơn vị nào được phép phái cử. Tổ chức các kỳ thi ra sao, các thuận lợi, rủi ro khi thực hiện chương trình. Phía nghiệp đoàn của Nhật cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn về bài thi để lựa chọn những lao động tốt nhất”.
Do đó, để người lao động tận dụng được cơ hội, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sắp tới sẽ siết chặt các quy trình tuyển chọn, và đào tạo tiếng Nhật, đồng thời đánh giá năng lực của các doanh nghiệp phái cử, và sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về chương trình.