Nhiều ca sĩ “mù” nhạc

Giới chuyên môn ước tính có 70% ca sĩ chuyên nghiệp hiện nay không hiểu nhạc lý, không tự xướng âm khi đọc nhạc văn bản. Con số này ngày càng tăng lên.

Trình độ nhạc lý, kiến thức âm nhạc ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng xử lý văn bản âm nhạc, giúp cho ca sĩ thẩm thấu tốt nhất cảm xúc của người sáng tác và sáng tạo khi thể hiện ca khúc. Nhưng thật nghịch lý ngày càng có nhiều ca sĩ chuyên nghiệp không hề biết một tí nhạc lý nào. Không biết nhạc, ca sĩ dễ trở thành con rối, nhạt nhòa bởi hát theo sự điều khiển cảm xúc của người khác.

Những con số gây ngạc nhiên

Nhạc sĩ trẻ Hoàng Huy Long ước lượng có 30% ca sĩ Việt biết nhạc, tức là có khả năng đọc ký xướng âm một văn bản ca khúc. Còn theo nhạc sĩ Nhật Trung: “Chỉ nói đến những ca sĩ đang hành nghề, không kể những người đang theo học trong các trường âm nhạc, theo tôi, chỉ khoảng 10% ca sĩ biết nhìn nốt nhạc và chỉ khoảng 5% ca sĩ tự mình biết xướng âm và hát. Đó là tổng kết sau nhiều năm tôi làm việc với nhiều ca sĩ Việt Nam”.

Nhạc sĩ Quốc An cho biết thêm: “Chỉ những ca sĩ được đào tạo bài bản trong trường nhạc chuyên nghiệp mới có được khả năng đọc xướng âm nhạc văn bản. Số lượng ấy không nhiều, mỗi trường được vài mươi ca sĩ là cao”.

Nhiều ca sĩ “mù” nhạc ảnh 1 Những ca sĩ được đào tạo âm nhạc bài bản như Hồ Ngọc Hà luôn chủ động trong chọn lựa bài hát, cách thể hiện sáng tạo cho mình
Đó chỉ là những nhận định mang tính cá nhân bởi chưa có con số thống kê cụ thể vì “mỗi nhạc sĩ chỉ làm việc với một vài đối tượng cụ thể mà thôi”, như lời nhạc sĩ Quốc Bảo. Dù vậy, hầu hết những người trong giới đều khẳng định số ca sĩ Việt biết nhạc, ít nhất là để rút ngắn quá trình làm việc giữa nhạc sĩ và ca sĩ, không nhiều. Con số ca sĩ “mù” nhạc ngày càng tăng lên khi thị trường ca nhạc tiếp nhận ngày càng nhiều những giọng ca bản năng không qua trường lớp bước ra từ những cuộc thi hát trên sóng truyền hình được tổ chức dày đặc hằng năm. “Cái máy phát âm”
Theo lý giải của giới chuyên môn, người biết nhạc lý để ký xướng âm được sẽ “cảm” nhạc nhanh hơn, chính xác hơn, tự tập bài được, phát huy được các kỹ thuật khó để áp dụng. Người không biết, chỉ có năng khiếu, phải đợi “thầy” tập cho hát, chậm và thụ động.

Tức là “khi một ca sĩ không biết nhạc, với một ca khúc mới, sự thể hiện của họ gần như dựa vào cách thể hiện của nhạc sĩ gửi cho họ qua bản demo (thu thử) là chính. Họ giống như cái cây mềm, phải uốn theo người khác. Nếu gặp được thầy giỏi thì quá tốt; còn ngược lại, lúc ấy, ca sĩ đơn thuần là cái máy phát âm không hơn không kém” - nhạc sĩ Quốc Bảo nhận định.

Theo nhạc sĩ Quốc An, khi biết xướng âm, ca sĩ sẽ tự “vỡ bài” (cảm nhận và thể hiện ca khúc) mới mà không cần đến nhạc sĩ “kiệu bài” (tập cho cách hát). Khi biết nhạc, ca sĩ cũng sẽ dễ cảm âm bài hát hơn.

Nhạc sĩ Hoàng Huy Long nói: “Ca sĩ biết nhạc sẽ rất dễ làm việc với nhạc sĩ hòa âm bởi khi nhận một bản nhạc mới, chính ca sĩ sẽ biết được ca khúc đó có hợp với mình hay không. Ít nhất cũng biết được ca khúc mới đó hay - dở điểm nào để điều chỉnh cho phù hợp.

Với những ca sĩ không biết nhạc, họ cũng không biết được mình muốn và cần phải làm gì. Điều đó giải thích vì sao có những ca khúc bị chê bởi ca sĩ này lại trở thành ăn khách với ca sĩ khác”.

Không quyết định nhưng cần thiết

Thật ra, không chỉ ca sĩ Việt, nhiều ca sĩ trên khắp thế giới cũng không ít người không biết nhạc. Điều này tưởng chừng vô lý khi lượng ca sĩ kiêm sáng tác đang trở thành trào lưu và điều đó gần như chuẩn mực cho một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhưng theo nhạc sĩ Quốc Bảo, đó chỉ là hình thức bởi thực tế, “tỉ lệ ca sĩ tự viết nhạc ở bên Tây khá nhiều nhưng họ viết theo kiểu thu vào điện thoại rồi đưa cho nhà sản xuất âm nhạc xử lý.

Nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chỉnh sửa cho hoàn thiện rồi ca sĩ hát. Bảo sao hát vậy. Đặt lời là chính, nhạc có người dạy. Adele là người có học hiếm hoi” - nhạc sĩ Quốc Bảo nói.

Theo nhạc sĩ Nhật Trung, thực tế cho thấy trên thế giới cũng tùy thể loại nhạc mà ca sĩ phải học nhạc hay không. Ví như theo đuổi dòng salsa hay nhạc của Mỹ Latin, ca sĩ thường không và cũng có thể là không cần thiết phải biết nhạc bởi những dòng nhạc đó thường giống như dân ca của Việt Nam, hình thức truyền khẩu và không có sự đa sắc về khúc thức.

Tuy nhiên, với dòng nhạc pop, ca sĩ cần phải học. Những gì có trường dạy tức là phải học và nhạc pop là một trong những thứ phải học mới có thể hát được. Nếu cứ ỷ y năng khiếu là đủ thì hệ quả như hiện tại là điều khó tránh khỏi: Ca sĩ hát phô, chênh nhạc cũng không biết.

Tất nhiên, việc biết nhạc dù không phải là điều kiện quyết định thành công của một ca sĩ bởi thực tế có khá nhiều ngôi sao chẳng biết nhạc vẫn được công chúng đón nhận nồng nhiệt và họ thành công một cách thuyết phục.

Điều đó không chỉ có ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ca sĩ thành công hay không khi thể hiện một ca khúc là nhờ có hồn, tức là chuyển tải trọn vẹn cảm xúc của ca khúc đến người nghe, làm rung động trái tim của họ nhưng muốn khai thác tận cùng cảm xúc của tác phẩm để chuyển tải trọn vẹn đến người nghe thì ca sĩ cần có kiến thức về âm nhạc.

Cần phải hiểu âm nhạc

Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi nhìn nhận: “Không thể phủ nhận thực tế có khá nhiều ca sĩ trên thế giới không biết nhạc mà vẫn thành công nhưng điểm chung của họ là thấu hiểu và biết con đường họ đang đi.

Tức là có sự nghiên cứu đàng hoàng về thể loại, phong cách âm nhạc mà họ đang theo đuổi, đủ để thể hiện ca khúc theo đúng những gì đặc trưng của phong cách âm nhạc đó.

Ở nước ngoài có thêm danh xưng vocal producer - tức là người giúp ca sĩ chọn những hợp âm để phát triển ca khúc thật đậm nét nhưng ca sĩ vẫn là người biết họ phải thể hiện ca khúc thế nào cho đúng chất nhất.

Để có được điều đó, ca sĩ phải có kiến thức âm nhạc vì đơn giản, họ cũng là người phải sáng tạo để ca khúc đạt đến độ hoàn hảo nhất”.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG