Nhiều bất ổn

Dân lợi dụng việc chuyển rừng nghèo khai thác gỗ trái phép
Dân lợi dụng việc chuyển rừng nghèo khai thác gỗ trái phép
TP - Các tỉnh Tây Nguyên quá chú tâm chuyển đổi những vùng rừng rộng lớn, liền ô liền thửa giao cho các doanh nghiệp trồng cao su đã gây nên nhiều bất ổn. Doanh nghiệp có kinh nghiệm trồng cao su thì không có đất; dân thiếu đất sản xuất nhưng lại giao rừng cho doanh nghiệp; tình trạng tranh chấp đất nhiều chỗ bị phần tử xấu lợi dụng kích động…

> 'Vàng trắng' khoắng rừng Tây Nguyên

Dân lợi dụng việc chuyển rừng nghèo khai thác gỗ trái phép
Dân lợi dụng việc chuyển rừng nghèo khai thác gỗ trái phép.
 

Khốn khổ tìm đất

Ngày 12-10-2007 UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo phân bổ hơn 73.000 ha đất rừng nghèo cho nhiều doanh nghiệp (DN) khảo sát trồng cao su. Đa số rừng do các Ban quản lý rừng phòng hộ như Đức Cơ, Nam Phú Nhơn, Ia Puch, Chư Sê, Ia Mơr, Ia Grai ở huyện Đức Cơ, Chư Sê , Chư Prông… quản lý. Diện tích rừng và đất rừng giao cho Tập đoàn CN cao su VN đơn vị có kinh nghiệm trồng cao su nhất ở Tây Nguyên khảo sát là hơn 17.400 ha .

Cty Cao su Mang Yang nay là Cty TNHH MTV cao su Mang Yang-trực thuộc Tập đoàn CN cao su VN được giao rừng khảo sát trồng cao su tại huyện Đăk Đoa và Mang Yang. Tại Đăk Đoa rừng giao khảo sát là 2.888 ha song trên thực tế doanh nghiệp này chỉ trồng được 75,4 ha, còn lại đất bị dân tranh chấp.

Tại huyện Mang Yang, DN được giao khảo sát gần 1.700 ha đều vướng rừng giàu. Năm 2008, Cty CS Mang Yang tiếp tục được giao gần 5.700 ha ở xã Ia Phang- huyện Chư Pưh và xã Ia Puch-Chư Prông. Tại xã Ia Phang không thể triển khai dự án bởi rừng đã bị dân xâm lấn còn tại xã Ia Puch sau khảo sát được 1.500 ha đất có thể trồng cao su DN đã thuê tư vấn lập bản đồ hiện trạng rừng, phân tích đất lập bản đồ phân hạng đất, lập dự án đầu tư phát triển cao su và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hồ sơ đã hoàn thiện và gửi sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Số tiền đã đầu tư cho các công đoạn này là 2,25 tỷ đồng. Thế nhưng rừng này sau đó bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi giao cho Cty Bình Dương – Binh đoàn 15, nên toàn bộ chi phí của Cty CS Mang Yang mất trắng.

Năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai lại thông báo địa điểm rừng nghèo cho Cty CS Mang Yang khảo sát. Tại huyện Kbang, Cty này được giao khảo sát 15.000 ha ở 4 xã nhằm tìm ra hơn 5.000 ha rừng để chuyển sang trồng cao su như quy hoạch của UBND tỉnh Gia Lai.

Qua khảo sát 25 tiểu khu Cty CS Mang Yang tìm được 275 ha tại 2 xã . Do diện tích đất quá nhỏ lẻ nên không thể triển khai dự án. Như vậy sau 4 năm khảo sát gần 25.000 ha đất lâm nghiệp do UBND tỉnh Gia Lai giao, Cty cao su Mang Yang chỉ trồng được 75,4 ha cao su.

Hàng chục ngàn hec ta rừng đã được san ủi để trồng cao su
Hàng chục ngàn hec ta rừng đã được san ủi để trồng cao su.
 

Dân thiếu đất canh tác, doanh nghiệp được chuyển rừng

Ngày 8-12-2009, UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành văn bản “Đồng ý chủ trương cho công ty TNHH TM&XD Lộc Phát được khảo sát lập dự án đầu tư trồng cao su với diện tích 357 ha tại tiểu khu 342 (xã Ea Đăh) tiểu khu 332, 340 (xã Ea Puk) huyện Krông Năng…” Toàn bộ khu vực này do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý. Cty Lộc Phát đã thuê tư vấn tổ chức khảo sát lập dự án.

Đến ngày 15-1-2010, UBND tỉnh Đăk Lăk có công văn tạm dừng chủ trương khảo sát, lập dự án trồng cao su trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, rà soát tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án. Thế nhưng tháng 2-2010, Chi cục Lâm nghiệp Đăk Lăk vẫn làm công văn đề nghị xã Ea Đăk và Ea Puk tạo điều kiện cho Cty Lộc Phát triển khai dự án, tháng 8-2010, sở Nông nghiệp và PTNT lại cho Cty Lộc Phát lập vườn cao su, chuẩn bị trồng mới.

Tuy chưa có quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt dự án, chưa được giao đất nhưng Cty Lộc Phát đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng, san ủi trên 20.000m2 lập vườn ươm giống, chặt phá cây rừng làm nhà kiên cố, đưa máy móc thiết bị chuẩn bị triển khai trồng cao su. Thấy vậy, cuối tháng 8 đến tháng 11-2010, một số cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Krông Năng, xã Ea Hồ đã vào tiểu khu 340a phát cây cỏ dây leo cây bụi để giữ đất làm rẫy, gây tranh chấp với Cty Lộc Phát.

Cao điểm là ngày 12 và 13-11-2010, khoảng 1.300 người của xã Ea Hồ, thị trấn Krông Năng, thị xã Buôn Hồ vào tiểu khu 340a mang theo lương thực, thực phẩm, lều bạt nhằm ở lại lâu ngày chặt phá dây leo, bụi rậm và những cây gỗ nhỏ tổng diện tích hơn 45 ha. Đoàn công tác vận động quần chúng của tỉnh Đăk Lăk đến đối thoại, làm rõ đúng sai nên đồng bào đã tự dỡ lán trại rút ra khỏi rừng.

Trước đó, UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân liên quan việc bật đèn xanh cho Cty Lộc Phát lập vườn ươm khi chưa được giao đất và chấm dứt chủ trương cho khảo sát đất của Cty Lộc Phát.

Huyện Krông Năng nắm lại tình hình thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số, khảo sát tìm vị trí để bố trí đất cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Có 867 hộ thuộc xã Ea Hồ và thị trấn Krông Năng diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha/hộ, trong đó thật sự không có đất ở và đất sản xuất 215 hộ.

Đầu năm 2011 UBND tỉnh Đăk Lăk đã đồng ý chủ trương UBND huyện Krông Năng lập dự án đầu tư cho 150-200 hộ này định canh định cư tại xã Cư Klông huyện Krông Năng trên diện tích vùng dự án khoảng 220-300 ha.

Tranh chấp đất đai giữa dân với doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương chuyển rừng trồng cao su, ngay từ đầu tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các doanh nghiệp không được lấy đất dân đang sản xuất và đất lâm nghiệp đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân. Chủ trương này có mặt tích cực là tôn trọng vùng sản xuất của đồng bào song mặt trái của nó khiến không ít hộ dân lợi dụng nhảy vào vùng dự án xâm lấn với doanh nghiệp. Hầu hết các huyện có giao đất cho DN chuyển sang trồng cao su ở Gia Lai đều bị dân tranh chấp.

Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết hàng ngàn ha rừng giao cho DN ở xã Ia Phang- Chư Pưh năm 2008 song chẳng thể triển khai được bởi dân đã phát nương làm rẫy. Ông Pháp cho rằng do quyết định của tỉnh tạm giao nên công ty chưa có chức năng giữ đất, từ đó nhân dân ở tại chỗ kể cả dân ở xã khác, huyện khác, tỉnh khác về xâm canh trồng sắn, trồng đậu hết.

Tại xã Ia Blưh doanh nghiệp được giao 3.000 ha thì bị xâm canh hơn 400 ha. Ngày 1-8-2011, Phó Công an xã Ia Blưh ông Nguyễn Văn Loan cho chúng tôi biết một số hộ ở làng Búi A và Búi B xã Ia Le - Chư Pưh ngay trưa hôm đó đã nhổ gần 400 cây cao su do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khai hoang vừa trồng mới. Dân đến nhổ cao su giành đất vì cho rằng khu vực này là rẫy cũ của họ.

Tại huyện Ea Hleo - Đăk Lăk, trong năm 2008 và 2009 UBND tỉnh giao cho 4 doanh nghiệp tổng diện tích gần 4.000 ha để trồng rừng kinh tế bằng cây cao su. Tại vùng dự án của các doanh nghiệp này có gần 200 hộ dân đang canh tác tổng diện tích khoảng 450 ha.

Đầu năm 2010 khi các doanh nghiệp triển khai dự án đã dẫn đến tranh chấp quyết liệt của một số hộ dân tộc tại chỗ. Vấn đề này đã bị bọn xấu lợi dụng kích động, lôi kéo đồng bào chống lại chủ trương trồng cao su, đe dọa nếu bị lấy đất sẽ khiếu kiện đông người.

Theo ông Nguyễn Thế Đạt - Trưởng đoàn Công tác Vụ Kinh tế - Xã hội Ban chỉ đạo Tây Nguyên, qua tìm hiểu một số hộ gia đình và cán bộ người dân tộc thiểu số địa phương, sự phản đối của đồng bào có những nguyên nhân lịch sử và văn hóa cần quan tâm. Những năm 1980 các hộ thuộc 4 buôn xã Ea H’Leo đã góp rẫy ven quốc lộ 14 trồng rừng thông, sau đó cuộc sống không đảm bảo nên bỏ đi phát rừng làm rẫy ở nơi khác.

Những năm 1990 Cty cao su Ea H’Leo vận động họ góp đất rẫy vào trồng cao su đến khi cao su vào kinh doanh đồng bào không thích nghi điều kiện kỹ thuật cạo mủ nên tiếp tục bỏ công ty đi phát rừng làm rẫy.

Do đó khi triển khai dự án này đồng bào lo ngại một lần nữa mất đất, trong khi rừng thì không còn để làm rẫy nữa. Về văn hóa, do đồng bào quen tập quán sống với rừng nên lo ngại chặt phá rừng hàng loạt sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, phá hủy không gian văn hoá truyền thống.

Thông tư số 76/2007/TT-BNN Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu: Đối với những dự án trồng cao su có sử dụng rừng và đất lâm nghiệp quy mô từ 1.000 ha trở lên thuộc loại dự án trọng điểm Quốc gia. Theo quy định tại Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, phải có dự án trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Để lách quy định này, nhiều cánh rừng rộng lớn được chia nhỏ cho các doanh nghiệp, hoặc cùng một doanh nghiệp chia tiểu khu liền kề ra nhiều dự án.

 

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.