Nhiều bất cập trong sửa đổi, phát hành sách giáo khoa

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - Sáng 19/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020, thẩm tra nhấn mạnh, an toàn thực phẩm theo chuỗi, theo quá trình sản xuất được đẩy mạnh, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tăng. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Việc kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn hạn chế; tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp.

Về Nghị quyết số 56/2017/QH14, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội như: quá trình triển khai một số dự án luật do Chính phủ chuẩn bị; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước; kết quả bước đầu của việc triển khai Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý; công tác thanh kiểm tra trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ.

Sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa đạt

Đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trong lĩnh vực công thương, việc khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ đến nay nhiều dự án đã từng bước giảm lỗ, dần đi vào ổn định và bước đầu có lãi. Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đang được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện. Nghị định về quản lý‎ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được sửa đổi, ban hành.

Tuy nhiên, một số dự án tiến độ còn chậm; việc xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC chưa được giải quyết. Một số dự án, doanh nghiệp khó khăn trong việc vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trong bán đấu giá. Tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại gia tăng, có diễn biến phức tạp. Cơ sở pháp lý xử lý các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh đa cấp còn thiếu. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa đạt tiêu chí đề ra. Năng lực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục được rà soát, đánh giá. Công tác tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị về ô nhiễm môi trường được quan tâm. Công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được chú trọng. Nhiều vụ việc trọng điểm về ô nhiễm môi trường đã được xử lý.

Tuy nhiên, một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn. Các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường còn thiếu toàn diện, đồng bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đồng bộ.

Mất vệ sinh môi trường bệnh viện còn phổ biến

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TƯ đã được xây dựng, triển khai; đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện. Việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hai trong một đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương thực hiện mô hình VNEN không hiệu quả. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập.

Dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29/TW.

Trong lĩnh vực y tế, đoàn giám sát đánh giá, chất lượng chuyên môn cũng như thái độ ứng xử của cán bộ y tế có chuyển biến tích cực. Nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị được sử dụng hiệu quả. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia đã được ban hành. Công tác quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại cơ sở bán lẻ được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, tình trạng quá tải ở các bệnh viên tuyến trên chưa được khắc phục. Tình trạng thiếu điều dưỡng viên, mất vệ sinh môi trường bệnh viện còn phổ biến. Sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong, tình trạng bạo hành với cán bộ y tế tại bệnh viện vẫn còn xảy ra. Mệnh giá bảo hiểm y tế thấp trong khi giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cao. Đầu tư cho phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế ở vùng khó khăn chưa thỏa đáng…

MỚI - NÓNG