Nhiệt độ - yếu tố 'sống còn' trong quy trình vận chuyển vắc-xin ngừa COVID-19

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng hàng loạt vắc-xin ngừa COVID-19 đã đặt ra yêu cầu về chuỗi cung ứng lạnh trên toàn cầu, vì vắc-xin BNT162b2 của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -70 độ C, còn vắc-xin MRNA-1273 của Moderna phải được bảo ở khoảng -20 độ C.

Chuỗi cung ứng lạnh

Nhiệt độ - yếu tố 'sống còn' trong quy trình vận chuyển vắc-xin ngừa COVID-19 ảnh 1

Vắc-xin Pfizer (của Mỹ - Đức) phải được bảo quản ở khoảng -70 độ C. Trong khi các vắc-xin khác như Moderna (của Mỹ) và AstraZeneca (của Anh - Thụy Điển) không cần bảo quản lạnh sâu đến thế.

Ở Mỹ và Canada, hầu hết các lô vắc-xin đều đang được vận chuyển bằng đường bộ và đường hàng không từ địa điểm sản xuất ở Kalamazoo (bang Michigan) và trung tâm phân phối Pleasant Prairie (bang Wisconsin).

Tùy vào khoảng cách, chuỗi cung ứng có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm dừng tại các cơ sở lưu trữ trung gian.

Để duy trì nhiệt độ cực thấp, các công ty vận chuyển phải sử dụng tủ lạnh sâu -80 độ C (ULT), đặt trong các container được kiểm soát nhiệt chặt chẽ.

Cả hai thiết bị lưu trữ trên đều có bộ phận cảm biến nhiệt, và bộ ghi dữ liệu giúp theo dõi mọi biến động nhiệt độ ngoài phạm vi cho phép.

Tủ đông ULT cung cấp khả năng bảo quản lâu dài ở nhiệt độ chính xác. Nhược điểm là chúng rất tốn điện, tương đương với lượng điện tiêu thụ bởi một hộ gia đình, đồng nghĩa với việc chi phí vận hành sẽ cao hơn. Kích thước lớn cũng có thể là một vấn đề.

Trong khi đó, hộp trữ lạnh có kích thước nhỏ hơn, có thể vận chuyển dễ dàng hơn. Mỗi hộp trữ lạnh có sức chứa 195 lọ (tương đương gần 1.000 liều vắc-xin). Đơn vị vận chuyển có thể sử dụng đá khô để duy trì nhiệt độ cự thấp. Tuy nhiên, hộp lưu trữ cũng có nhiều hạn chế, là không được mở quá 2 lần/ngày trong tối đa 1 phút, và đá khô phải được thêm mới sau 5 ngày.

Rõ ràng tủ ULT có thể đảm bảo lưu trữ vắc-xin trong thời gian dài hơn, nhưng chúng không phải lúc nào cũng có sẵn, đặc biệt là ở các cơ sở y tế công cộng nhỏ.

Ví dụ, ở California, số lượng cơ sở y tế có tủ ULT rất hạn chế.

Do sự khan hiếm của tủ ULT trong các giai đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng vắc-xin, nên thùng lạnh được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng thùng lạnh, thời gian trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng.

Khi ấy, vắc-xin phải nhanh chóng được đưa vào sử dụng để không ảnh hưởng đến hoạt lực.

Nhiệt độ - yếu tố 'sống còn' trong quy trình vận chuyển vắc-xin ngừa COVID-19 ảnh 2

 Đồ họa: Aljazeera

Trong khi tủ đông ULT có thể bảo quản vắc-xin Pfizer’s lên đến 6 tháng, thì với thùng lạnh, thời gian bảo quản tối đa chỉ là 30 ngày.

Sau đó, lọ vắc-xin có thể được rã đông, và bảo quản trong tủ lạnh 2-8 độ C trong tối đa 5 ngày.

Một khi đã rã đông, vắc-xin không thể được cấp đông trở lại. Do đó, tổng thời gian từ khi vắc-xin Pfizer rời tủ lạnh âm sâu đến khi đưa vào sử dụng chỉ được gói gọn trong 35 ngày.

Các vắc-xin không cần tủ lạnh sâu

Hiện, các yêu cầu nghiêm ngặt về dây chuyền lạnh ULT chỉ được áp dụng duy nhất đối với vắc-xin Pfizer.

Với vắc-xin của Moderna’s, nhiệt độ bảo quản là khoảng -20 độ C, có thể được duy trì ở 2-8 độ C trong 30 ngày, và ở nhiệt độ phòng trong tối đa 12 giờ.

Về chiến lược phân phối, vắc-xin của Moderna được đánh giá là phù hợp với khu vực nông thôn – những nơi không có khả năng lưu trữ vắc-xin ở nhiệt độ lạnh âm sâu như yêu cầu của Pfizer.

Vắc-xin AZD1222 của AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện làm lạnh bình thường (2-8 độ C) trong ít nhất 6 tháng.

Vắc-xin NVX-CoV2373 của Novavax có thể được phân phối dưới dạng công thức lỏng, không đông lạnh từ 2-8 độ C.

Vắc-xin Ad26.COV2.S của Janssen (J&J) dự kiến sẽ ổn định trong hai năm ở -20 độ C và trong hơn 3 tháng trong phạm vi 2-8 độ C.

Theo Theo Lab Magazine
MỚI - NÓNG