TPO - Ngày 23/2, một quan chức cấp cao Philippines cho biết nước này sẽ cho phép hàng nghìn nhân viên y tế, chủ yếu là các y tá, sang Anh và Đức làm việc nếu hai nước châu Âu nhất trí quyên góp vaccine ngừa COVID-19 cho nước này
Philippines - một trong số những nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại châu Á, đã nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhân viên y tế, nhưng vẫn hạn chế số chuyên gia y tế rời nước này ở mức 5.000 người/năm. Cục trưởng Cục Các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Lao động Philippines, bà Alice Visperas cho biết nước này đang để ngỏ khả năng dỡ bỏ hạn chế đó để đổi lấy vaccine của Anh và Đức. Số vaccine này sẽ được dùng để tiêm cho các lao động nước ngoài và hàng trăm nghìn người Philippines hồi hương.
Ngày 23/2, Ukraine đã nhận được lô vắcxin COVID-19 đầu tiên sau vài lần bị trì hoãn. Ukraine có dân số 40 triệu người, là một trong những nước nghèo nhất ở châu Âu và cũng là một trong những nước cuối cùng trong khu vực khởi động chiến dịch tiêm vắcxin cho toàn dân. Lô đầu tiên bao gồm 500.000 liều vắcxin của AstraZeneca do viện Serum Ấn Độ (SII) sản xuất. Người phát ngôn Bộ Y tế Ukraine xác nhận lô vắcxin này đã đến sân bay Boryspil ở Kiev. Trong ngày 23/2, Chính phủ Ukraine sẽ công bố chiến lược tiêm chủng quốc gia.
Truyền hình nhà nước Iran ngày 23/2 đưa tin nước này chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của nước này, được cho là nhằm gây áp lực để với các nước châu Âu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và khôi phục thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015. Bản tin của truyền hình nhà nước xác nhận Iran đã thực hiện tuyên bố cắt giảm hợp tác với các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố :"Đạo luật đã có hiệu lực từ sáng nay", đồng thời tái khẳng định Iran sẽ không chia sẻ hình ảnh giám sát trực tiếp các cơ sở hạt nhân của mình với IAEA nữa.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing kêu gọi nỗ lực vực dậy nền kinh tế đất nước trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt lên Myanmar. Cũng trong tuyên bố, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar kêu gọi cắt giảm chi tiêu nhà nước và nhập khẩu, đồng thời tăng xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Myanmar khiến các nhà đầu tư e ngại đầu tư vào quốc gia này. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục làm suy yếu sức tiêu thụ và chặn đứng ngành du lịch của quốc gia Đông Nam Á.
Việc lính gác Thủy quân Lục chiến không xuất hiện bên ngoài Cánh Tây Nhà Trắng vào ngày 22/2 đã châm ngòi cho nhiều đồn đoán về quyết định của Tổng thống Joe Biden. Hãng tin Axios (Mỹ) cho biết vị trí lính gác Thủy quân Lục chiến bên tại Cánh Tây đóng vai trò vô cùng đặc biệt vì đây là dấu hiệu cho thấy Tổng thống có ở trong phòng Bầu Dục hay không. Lính gác Thủy quân Lục chiến nhận nhiệm vụ mở cửa của Cánh Tây. Nếu Tổng thống có mặt trong phòng Bầu dục thì sẽ có lính gác bên ngoài. Nhiều phóng viên nghi ngờ diễn biến ngày 22/2 bắt nguồn từ thay đổi trong chính sách của Tổng thống Biden muốn giữ kín lịch trình cá nhân.
Bộ Quốc phòng ở Ankara, ngày 23/2, tuyên bố 4 chiến cơ của Hy Lạp đã áp sát một tàu nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Aegea. Theo hãng tin Nga RT, phía Hy Lạp phủ nhận thông tin nước này điều các chiến cơ F-16 tiếp cận tàu nghiên cứu Cesme. Con tàu được Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ triển khai để thực hiện nhiệm vụ khoa học trong khu vực từ tuần trước, khiến Anthens phản đối. Theo Ankara, các chiến cơ Hy Lạp đã thả pháo sáng - được sử dụng để đánh lạc hướng các tên lửa tầm nhiệt - cách tàu Cesme 3,7 hải lý, gần đảo Lemnos. Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại hành động quấy rối bằng "đòn trả đũa cần thiết... phù hợp với các quy định".
Ngày 23/2, Ủy ban châu Âu (EU) cho biết cơ quan này đã chính thức cảnh báo 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà các nước này đơn phương áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan có thể có thể phá vỡ hoạt động di chuyển tự do trong khối. EC lo ngại rằng các biện pháp này đã "đi quá xa" so với những khuyến nghị được EU thông qua hồi tháng 10/2020 nhằm đạt được sự cân bằng tương ứng giữa làm giảm tốc độ lây lan của dịch COVID-19 và duy trì hoạt động đi lại nội khối. EC cho các nước này thời gian cho tới cuối tuần tới để nới lỏng các biện pháp trên. Trong trường hợp các nước không hành động, EC về mặt lý thuyết có thể khởi kiện vì vi phạm luật của EU.
Thượng viện Mỹ ngày 23/02 đã chuẩn thuận bà Linda Thomas Greenfield làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Với 78 phiếu thuận và 20 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử của Tổng thống Joe Biden là bà Linda Thomas Greenfield, một nhà ngoại giao kỳ cựu, làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Bà Greenfield, 68 tuổi, đã có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao và từng làm việc ở 4 châu lục, chủ yếu là ở châu Phi. Bà Greenfield sẽ nhận trọng trách Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đang tìm cách đưa Mỹ can dự trở lại với thế giới và các thể chế đa phương.