Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết như vậy trong buổi họp báo thường kỳ chiều 28/8 tại Hà Nội.
Các cuộc trao đổi mới đây giữa ông Lê Hồng Anh với lãnh đạo Trung Quốc về tranh chấp trên biển Đông không đề cập các bên liên quan khác như ASEAN. Có phải các tranh chấp trên biển Đông giữa hai nước sẽ được giải quyết qua con đường song phương? Việt Nam có bảo lưu khả năng khởi kiện nếu Trung Quốc có hành động vi phạm như vừa qua?
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí nghiêm túc thực hiện thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trong đó nêu rất rõ về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương và đa phương như thế nào. Về việc bảo lưu khả năng kiện, như chúng tôi nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Tại hội nghị tư lệnh hải quân ASEAN lần thứ 8 vừa qua, đoàn Việt Nam đưa ra sáng kiến tăng cường vai trò hải quân ASEAN. Cụ thể đề xuất này như thế nào?
Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung đang tích cực đóng góp để thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015. Các sáng kiến nói trên là một trong những đóng góp cụ thể của Việt Nam vào tiến trình này. Hiện nay, ASEAN đang triển khai các sáng kiến để đưa vào thực tế. Việc triển khai các sáng kiến cũng là đóng góp của Việt Nam và ASEAN cho hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Dự kiến, đầu tháng 9, Tổng thống Ấn Độ sang thăm Việt Nam; nhân dịp này, hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng. Được biết, Ấn Độ sẽ cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD để Việt Nam mua tàu tuần tra. Ấn Độ cũng thăm dò 5 lô dầu khí ở biển Đông theo lời mời của Việt Nam. Đề nghị xác minh những thông tin này?
Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế bình thường giữa các công ty dầu khí Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giữa Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sau kết quả rất tốt đẹp của chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ vừa qua, hai bên đang tích cực chuẩn bị các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Hầu hết người Ukraine gốc Việt được miễn nhập ngũ
Một số người Việt Nam tại Ukraine bị chính quyền Ukraine gọi nhập ngũ. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với chính quyền Ukraine hay chưa và có khuyến cáo gì không cho những người Việt ở đây? Có bao nhiêu người Việt Nam ở Ukraine bị gọi nhập ngũ?
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cho biết, vừa qua Ukraine thông qua lệnh tổng động viên đợt hai, trong đó huy động các công dân nam từ 18 đến 60 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam, hiện nay có 270 người Ukraine gốc Việt nằm trong độ tuổi tổng động viên này. Tuy nhiên, hầu hết thanh niên quốc tịch Ukraine gốc Việt đều được miễn trừ nghĩa vụ vì đang là học sinh, sinh viên. Những trường hợp có giấy báo nhập ngũ sau khi đến trình diện và chứng minh là học sinh, sinh viên hoặc có vấn đề về sức khỏe đều được miễn trừ.
Tình hình người Việt tại các quốc gia đang có dịch Ebola ra sao, thưa ông?
Cho đến nay, công dân Việt Nam tại một số nước bị ảnh hưởng bởi Ebola như Nigeria, Liberia, Sierra Leone vẫn được bảo đảm an toàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại những quốc gia này vẫn đang giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng người Việt, cảnh báo họ tránh xa vùng dịch và liên lạc trực tiếp với các cơ quan đại diện của Việt Nam để được hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Xin cho biết thông tin về 12 ngư dân trên một tàu cá Quảng Nam bị bắt ở Philippines từ tháng 4/2012 sắp về nước!
Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, sau một thời gian làm việc tích cực, ngày 27/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã hoàn tất các thủ tục và sẽ đưa 12 ngư dân về nước. Dự kiến, các ngư dân sẽ về đến Việt Nam vào ngày 30/8.
Trước đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thỏa thuận ngừng bắn ngày 26/8 giữa Israel và Palestine, ông Lê Hải Bình nói:
“Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ngày 26/8/2014 giữa Israel và Palestine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận hòa bình toàn diện và bền vững vì hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động bạo lực leo thang của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq, Người phát ngôn nói: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang tại Iraq, đồng thời lên án những hành động dã man, vô nhân đạo nhằm vào những thường dân vô tội”.