Nhật ký ứng phó COVID-19: Người trong 'vòng đỏ'

Bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa Trung ương Quảng Nam điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa Trung ương Quảng Nam điều trị cho bệnh nhân COVID-19 Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TP - Vậy là đến chiều qua, con số bệnh nhân COVID-19 ở Quảng Nam đã lên tới 43 người. “Nóng” chỉ sau Đà Nẵng. Chỉ khoảng một tháng trước, nếu ai nói Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tại huyện Núi Thành này sẽ là nơi thu dung, chữa trị một lúc cho mấy chục ca mắc COVID-19, chắc sẽ chẳng ai tin. Vậy mà điều đó đang diễn ra…

Mấy ngày qua, chúng tôi “vừa làm vừa chạy” để set-up (tổ chức) toàn bộ hệ thống thu dung bệnh nhân, nâng cao khả năng, quy mô điều trị. Sát cánh bên chúng tôi những ngày này là 20 bác sĩ, chuyên gia đến từ 5 bệnh viện lớn của cả nước, từ Bệnh viện Bạch Mai, Trường ĐH Y ở Hà Nội, đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ TPHCM. Vừa tổ chức lại toàn bộ bệnh viện để đón và điều trị bệnh nhân COVID-19, các thầy vừa tập huấn cho chúng tôi chuyên môn về nội nhiễm, hồi sức tích cực chống độc, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm…

Đó thực sự là những vị cứu tinh với chúng tôi lúc này, từ giã gia đình để xông pha vào nơi hiểm nguy mà không chút nề hà. Toàn bộ 137 bác sĩ, nhân viên y tế của chúng tôi sát cánh cùng các chuyên gia, ai nấy gắng sức đến 200%, làm việc ngày đêm gấp rút hoàn thành khối lượng cộng việc khổng lồ mà lúc bình thường nghĩ đến đã thấy “ngợp”.

Hình ảnh xúc động nhất là những người ở trong “vòng đỏ” tại tầng 3 trực tiếp cứu chữa các bệnh nhân dương tính. Ai nấy kín mít trong bộ đồ bảo hộ nặng trĩu. Mỗi ca làm việc kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ liên tục. Hết ca thì nghỉ ngay tại chỗ, cứ quay vòng miết như thế.

Thương nhất là cả một gia đình 7 người gồm 3 thế hệ người già, em bé đều mắc COVID-19 vào điều trị tại đây. Lại có gia đình có đến 3 người. Đến ngày 1/8, hai ca nặng nhất trong gia đình 7 người đã được chuyển ra Huế. Năm ca còn lại diễn tiến có dấu hiệu đáng mừng. Hôm trước có 2 ca phải thở ô xy, nhưng hiện đã ổn định trở lại.

Tôi nhiều lúc ứa nước mắt khi chứng kiến những bác sĩ của mình gạt niềm riêng để chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh. Đó là lúc dặn dò người cha già ở lại, phút tạm chia tay những đứa con nhỏ, thất hứa với trẻ thơ ngày về nhà. Nhiều anh em “vào trận” lâu rồi, có người gần 60 ngày mà chưa được về với gia đình. Như trường hợp TS.BS Lê Viết Nhiệm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới ở trong khu cách ly đã tròn 2 tháng. Ê kíp của bác sĩ Nhiệm điều trị ca 330, 331 của đợt dịch lần trước chưa xong, thì dịch bệnh lại tiếp tục ập tới. Ai cũng chung sức đồng lòng vì nhiệm vụ lớn lao. Ai cũng đầy mạnh mẽ quyết tâm. Sự hy sinh đó lớn lắm. Bao nhiêu hoàn cảnh, người thì cha già, con nhỏ nhưng đành bỏ đó...

Chiều nay, bệnh viện chúng tôi chính thức nhận được lệnh sẽ là đầu mối thu dung, chữa trị cho toàn bộ các bệnh nhân mắc COVID-19 trên toàn tỉnh. Cuộc chiến đấu sẽ trở nên quyết liệt, cam go hơn, khi dự báo số ca dương tính sẽ chưa dừng lại.

Chúng tôi, các y bác sĩ của tôi sẽ càng không còn thời gian để nghĩ ngợi về riêng mình. Mà điều hướng đến trước mắt của mọi người là những “gia đình bệnh nhân”, là bệnh nhân già 100 tuổi, là những em nhỏ chỉ 7-8 tuổi… Chúng tôi sẽ chiến đấu vì họ…

BS Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

MỚI - NÓNG