Hàn Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia khác trong những ngày này theo dõi sát sao mọi biến động ở Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ “có quà Giáng sinh” dành cho Mỹ. Nhiều người e ngại đây có thể là một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng đến hôm qua, chưa có nhiều dấu hiệu bất thường, các quan chức Hàn Quốc nói với Yonhap.
Tuy nhiên, họ cũng lưu ý, Triều Tiên có thể thực hiện một hành động gây hấn vào bất cứ lúc nào và quân đội Hàn Quốc luôn duy trì tình trạng sẵn sàng ứng phó cho một kịch bản tồi tệ nhất trong khi vẫn giám sát chặt “người láng giềng”.
Trước đây, khi bắn tử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 vào ngày 4/7/2017 (ngày quốc khánh Mỹ), Triều Tiên nói đó là “quà” dành cho Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo hôm 21/12 đã tới thăm trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hội đồng Tham mưu liên quân Hàn Quốc để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Mỹ đã phái máy bay trinh sát tới bán đảo Triều Tiên gần như hằng ngày, đôi khi là vài lần trong một ngày, để tăng cường giám sát Triều Tiên.
“Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích chung của ba nước, và quyết định cùng phối hợp với nhau để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình tiếp tục thông qua thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý cùng phối hợp thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói sau hội nghị hôm qua giữa ba nước Đông Á tại Thành Đô, Trung Quốc.
Triều Tiên đặt ra hạn chót cuối năm nay để Mỹ thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng trong khi các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được tiến bộ trong các cam kết của đôi bên liên quan đến chương trình hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên đi vào bế tắc.
Sau khi gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Moon nói ba nước đồng ý liên lạc chặt chẽ. “Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, ba nước, đã đồng ý tiếp tục liên lạc chặt chẽ và phối hợp để thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên”, tổng thống Hàn Quốc nói tại một cuộc họp báo chung, theo Reuters.
“Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích chung của ba nước, quyết định phối hợp với nhau để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình tiếp tục thông qua thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều”, ông nói thêm.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói ba nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phải phối hợp với nhau về vấn đề này.
Trung Quốc là nước hỗ trợ quan trọng nhất đối với Triều Tiên cả về kinh tế lẫn ngoại giao, mặc dù Bắc Kinh đã bày tỏ sự không hài lòng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa và hạt nhân.
Trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh hồi tuần trước, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao Trung Quốc, sau các cuộc gặp đồng sự Nhật Bản và Hàn Quốc và đây là những nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu mới.
Trung Quốc và Nga tuần trước đề xuất rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Nhưng chưa rõ Bắc Kinh có thuyết phục được Seoul và Tokyo lên tiếng chỉ trích Washington hay không, khi Mỹ phản đối đề xuất của Trung Quốc và Nga, và có thể phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an.