Theo MilitaryWatch, thông tin này xuất hiện giữa lúc hạn chót cuối năm 2019 để phía Mỹ thay đổi quan điểm trong đàm phán đang tới gần, trong khi Triều Tiên tuyên bố họ có thể khôi phục việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa chiến lược nếu điều này không diễn ra. Bình Nhưỡng đã ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa kể từ tháng 11/2017, khi họ chứng minh năng lực tấn công vào lãnh thổ Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong -15. Lực lượng tên lửa Triều Tiên cũng không thực hiện vụ thử tên lửa đạn đạo nào trong hơn một năm sau đó. Tuy nhiên, sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, lực lượng tên lửa Triều Tiên lại cho thử nghiệm một số hệ thống vũ khí tầm ngắn, thể hiện sự thất vọng của Bình Nhưỡng đối với tiến trình đàm phán hòa bình. Gần đây Triều Tiên đã đe dọa sẽ gửi tới Mỹ “một món quá Giáng sinh” mà các nhà phân tích dự đoán rằng đó có thể là một tên lửa đạo liên lục địa mới. Có thể đây là thiết kế mới “kế nhiệm” Hwasong-15 hoặc một tên lửa dành cho tàu ngầm.
Không quân Mỹ cũng đã dự đoán về một vụ thử tên lửa Triều Tiên mà nhân vật chính là một tên lửa đạn đạo tầm xa, trong bối cảnh Mỹ không sẵn sàng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán để Bình Nhưỡng được xóa bỏ các lệnh trừng phạt.
Hậu quả tiềm ẩn trong thế bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên, giữa lúc tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải dốc sức cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ hai vào Nhà Trắng sẽ diễn ra trong năm 2020, vẫn hết sức đáng kể.
Trong khi lãnh thổ Triều Tiên và đặc biệt là các động thái liên quan đến lực lượng tên lửa Triều Tiên đã và đang được các vệ tinh của phương Tây giám sát chặt chẽ hơn cả Liên Xô thời chiến tranh lạnh, Bình Nhưỡng duy trì phần lớn nhà máy, cơ sở vũ khí, căn cứ quân sự (bao gồm cả căn cứ không quân) trong lòng đất. Do đó rất khó để có được bức tranh toàn cảnh hơn về tiến trình phát triển các thiết kế tên lửa mới cũng như hoạt động sản xuất hàng loạt các thiết kế tên lửa đã có.