'Quà Giáng sinh' Triều Tiên dành tặng Mỹ là gì?

Nguồn tin nói Triều Tiên sẽ không bàn chuyện phi hạt nhân hóa với Mỹ thêm nữa Ảnh: Politico
Nguồn tin nói Triều Tiên sẽ không bàn chuyện phi hạt nhân hóa với Mỹ thêm nữa Ảnh: Politico
TP - Triều Tiên được nói là đang lên kế hoạch cho việc chấp nhận một chính sách cứng rắn đối với Mỹ, cụ thể là loại bỏ vấn đề phi hạt nhân khỏi bàn đàm phán, trong lúc có những luồng ý kiến cho rằng Tổng thống Donald Trump dễ bị tổn thương về mặt chính trị.

Hãng tin CNN của Mỹ dẫn lời một nguồn tin mà đài này nói là “có thông tin về những suy nghĩ hiện nay của giới lãnh đạo Triều Tiên, nói rằng chính sách mới của Bình Nhưỡng chính là thứ mà một quan chức cấp cao Triều Tiên hồi đầu tháng 12 đã đề cập bằng cụm từ “quà Giáng sinh”. Chính sách này được nói là sẽ bao gồm việc từ bỏ đàm phán hạt nhân với Mỹ và củng cố vị thế của Triều Tiên với tư cách một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng cũng sẽ không theo đuổi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn. Thay vào đó tăng cường củng cố tư tưởng tự cung tự cấp, không phụ thuộc vào bên ngoài.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi năm 2018 tuyên bố Triều Tiên đã “hoàn tất” tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và cam kết sẽ hoàn toàn tập trung vào các nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Chưa rõ chính quyền của ông Trump sẽ phản ứng ra sao trước một quyết định như thế. Sau khi lên nắm quyền tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông Trump và ông Kim đã nhiều lần khẩu chiến khi Triều Tiên thử một loạt tên lửa đạn đạo ngày càng tiên tiến. Các tên lửa loại này đều có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Sau đó là các nỗ lực ngoại giao và một số cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim, nhưng các cuộc đàm phán cấp thấp hơn đã không đạt được nhiều tiến triển. Khi thời điểm kết thúc năm 2019 cận kề, tình thế giữa đôi bên lại chuyển từ đối thoại sang đối đầu, như hồi năm 2017.

Các nhà phân tích tin rằng Bình Nhưỡng đang lo rằng nếu họ đạt một thỏa thuận với ông Trump và rồi ông này thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, tổng thống kế nhiệm sẽ không tiếp tục thi hành  thỏa thuận ông Trump đã ký với Triều Tiên. Trước đây Mỹ-Triều từng đạt được các thỏa thuận nhưng chúng không “sống sót” khi chính quyền tiếp theo của Mỹ tiếp nhận quyền lực, và gần đây các quan chức Triều Tiên thường xuyên dẫn ra ví dụ chuyện chính quyền Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được dưới thời ông Barack Obama làm tổng thống và nói đây là lý do không thể tin tưởng Mỹ cam kết một thỏa thuận lâu dài.

Nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ hai, người Triều Tiên có thể sẵn sàng tái đàm phán hơn, nguồn tin nói. Nhưng vấn đề hạt nhân có vẻ vẫn sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán. Nguồn tin cũng nói rất ít khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm những thứ đại loại như tên lửa đạn đạo liên lục địa hay cho nổ thử một thứ vũ khí hạt nhân, bởi hành động này sẽ bị Nga và Trung Quốc, hai đối tác thương mại quan trọng nhất, xem là gây hấn.   

Nguồn tin của CNN nói ông Kim dự kiến sẽ chơi bài “chờ xem chuyện gì xảy ra”. Điều này dựa trên nhận thức rằng ông Trump dễ bị tổn thương về mặt chính trị do cuộc luận tội của hạ viện và cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai đang đến gần.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.